Skip to main content

Dịch Thơ: Hồng Đậu Sinh Nam Quốc






Hán Ngữ:

红豆生南国,
是很遥远的事情.
相思算什么,
早无人在意.
醉卧不夜城,
处处霓虹.
酒杯中好一片滥滥风情.
最肯忘却古人诗,
最不屑一顾是相思.
守着爱怕人笑,
还怕人看清.
春又来看红豆开,
竟不见有情人去采,
烟花拥着风流真情不在.


Hán Việt:

Hồng đậu sinh nam quốc
Thị ngận diêu viễn đích sự tình.
Tương tư toán thập yêu,
Tảo vô nhân tại ý.
Túy ngọa bất dạ thành,
Xử xử nghê hồng.
Tửu bôi trung hảo nhất phiến lạm lạm phong tình.
Tối khẳng vong khước cổ nhân thi,
Tối bất tiết nhất cố thị tương tư.
Thủ trứ ái phạ nhân tiếu,
Hoàn phạ nhân khán thanh.
Xuân hựu lai khán hồng đậu khai,
Cánh bất kiến hữu tình nhân khứ thải,
Yên hoa ủng trứ phong lưu chân tình bất tại.


Dịch thể lục bát:

Đậu hồng sinh ở nước nam,
Chuyện xưa kể lại mấy lần chửa thông.
Hỏi tương tư có gì không,
Từ lâu đã chẳng bận lòng chút chi.
Ta say giữa phố cuồng si,
Tình say men rượu tràn ly phong tình.
Thơ xưa quên hết làm thinh,
Tương tư tủi hổ riêng mình đắng cay.
Dám đâu nhân thế tỏ bày,
Sợ người thấu tỏ, sợ đời cười chê.
Sang xuân, mùa đậu chín về,
Chẳng ai dang hái như thề nguyện xưa.
Mới hay khói sóng gió đưa,
Mới hay tình cũ đã vừa phôi phai.






Thi thoại:

Hồng đậu sinh nam quốc là bài nhạc được ưa thích do ca sĩ Đồng Lệ hát. Cốt truyện được lấy từ một tích cổ. Truyện rằng ngày xưa, giặc giã triền miên, đi lính rất nhiều, một đi không trở lại. Có người thiếu phụ nhớ thương chồng chinh chiến xa xôi, than khóc khôn nguôi dưới tàng cây, đổ cả huyết lệ. Lệ đỏ tưới cho cây đậu sinh ở chỗ đấy, cho nên hạt đậu nảy ra đều có màu đỏ, được gọi là hồng đậu. Vì lẽ đó, loại đậu này gọi là đậu tương tư, ám chỉ cho những lương duyên xa cách. Truyện này được đưa vào thi thoại nhờ bốn câu thơ của Thi Phật Vương Duy đời Đường trong bài Tương Tư của mình: 

Hồng đậu sinh nam quốc,
Xuân lai phát kỷ chi.
Nguyện quân đa thái hiệt,
Thử vật tối tương ti tư.

Tự dịch thành lục bát:

Đậu hồng sinh ở nước nam,
Xuân về trổ hạt trăm ngàn cành xiêu.
Mong người thương hái cho nhiều,
Bao nhiêu hạt đậu, bấy nhiêu hạt tình.

Bài này trở về sau, trở thành bài thi dành riêng cho tương tư, đặc biệt nổi tiếng. Còn Hồng Đậu Sinh Nam Quốc trở thành một điển tích rất hay được sử dụng. Bài của ca sĩ Đồng Lệ cũng không nằm ngoài ý tưởng ấy. Bản thân lời của bài nhạc cũng vô cùng thú vị. Tỉ như câu "Tửu bôi trung hảo nhất phiến lạm lạm phong tình." thật rất lãng mạn, hay như câu "Túy ngọa bất dạ thành" rất hữu tình (tạm dịch là ngồi say ở tòa thành không ngủ, say mà không chợp mắt được, một kiểu hoán dụ hay, là tòa thành không ngủ hay vì người không ngủ được nên thấy thế ? Cũng bởi tương tư). 

Bản dịch gặp không ít khó khăn, đầu tiên muốn giữ thuần việt câu đầu ("đậu hồng sinh ở  nước nam") chứ không muốn dùng lại hán ngữ, vần "am" vốn kén từ, so với ý câu thứ hai lại biệt lập, chẳng tìm được một từ nào cho thích hợp. Hai câu 3 và 4, vốn đã chủ ý làm từ trước, buộc phải đẩy vần "ông" lên câu 2. Câu hai vừa phải thỏa được ý "chuyện xưa", vừa phải thỏa được ý "chuyện cũ", không dễ được cả hai. Thật sự là một bước khó nhân ba, khó vẹn toàn được. 

Câu 5 và 6 có thể coi là điểm hay của bài, nếu dịch không khéo thì hỏng cả bài dịch. Cái khó câu 5 là phải thể hiện sự đối lập giữa ta ("túy", say) và cảnh ("bất dạ", không tối, không ngủ, sáng đèn suốt đêm). Thực sự rất muốn hạ câu "ta say giữa phố không say", thật sự rất thi vị, nhưng lại thoát nghĩa quá, lại ngậm ngùi bỏ qua. Lại vì chữ "bất dạ" không thể dịch được rõ nghĩa "phố sáng đèn", "phố không ngủ", "phố không đêm". Kiểu nào cũng đều rất tối nghĩa, lại không muốn bê nguyên "bất dạ thành" vào bài dịch. Cũng là sự nan giải vô cùng. Rút cuộc phải hạ chữ "cuồng si", tuy không hẳn bằng lòng, nhưng tạm được. "Tửu bôi trung hảo nhất phiến lạm lạm phong tình." vốn định dịch thành hai câu vì ý dài, nhưng lại hạ câu không được. Vì lẽ nếu dôi câu ra, thì câu cuối bài sẽ nằm ở câu lục, chưa kể để một câu thì ngắn, nhưng kéo ra hai câu thì lại dài quá. Bỏ cả câu "xử xử nghê hồng" không dịch. Thật lạ ở câu này, vốn không ăn nhập gì với cả câu trước và sau, rất tối nghĩa, lại không thuận tình. Rút cuộc bỏ chữ "nhất phiến" không dịch, "lạm lạm" dịch bằng một chữ "tràn", xáo thứ tự câu lại. Nhưng hạ được chữ "say" vào câu này, kiến hai câu 5, 6 tuy hai mà một, trên thì "ta say", dưới thì "tình say", dùng cái điệp ý ấy mà thay vào cái khiếm khuyết của câu dịch. 

Câu 7, 8 khá nhàn, nhưng không dịch được chữ "tối" cũng là một chỗ đáng thẹn. Cũng vì câu 6, ráng giữ chữ "phong tình", nên câu 7 phải hạ được một vận "inh". Chữ "khước" buộc phải thay bằng "làm thinh" cho hợp vận. Dịch hai câu "Thủ trứ ái phạ nhân tiếu, Hoàn phạ nhân khán thanh." thành "Dám đâu nhân thế tỏ bày, Sợ người thấu tỏ, sợ đời cười chê." có thể xem là một thành tựu. Hai chữ "phạ" (sợ) dịch trọn vẹn, lại đưa vào được điệp ý, lại bảo toàn được hết câu, có phần hay hơn cả hai câu gốc. Chỉ thẹn ở vận hai câu này không trọn được( "bày - đời"). 

Hai câu kế có phần đơn giản, chữ "tình nhân" thay bằng chữ "ai", là chủ ý riêng. Trong tiếng Việt, mà có lẽ chỉ trong tiếng Việt mới có, sự đặc sắc của chữ "ai".   Cứ coi bài "Áo Bông Che Bạn" của Tú Xương thì biết, một chữ "ai" bao nhiêu hàm nghĩa. 

"Hỏi ai, ai đó thương không ?
Ðêm mưa một mãnh áo bông che đầu
Vì ai, ai có biết đâu ?
Áo bông ai ướt, khăn đầu ai khô !" 
- Áo Bông Che Bạn của Tú Xương

Câu "Yên hoa ủng trứ phong lưu chân tình bất tại." (mải mê quyến luyến chốn gió trăng, chân tình còn đâu nữa.) dịch thành hai câu. Câu này có thể coi là dịch hay. Vốn nghĩa gốc không quá sự tình, nhưng dịch lại rất sự tình. Câu này cố ý tách thành hai phần: cảnh cũng bội bạc (khói sóng gió đưa) và người cũng bội bạc (tình cũ đã vừa phôi phai). Vốn là từ chữ "phong lưu" và "yên hoa" mà nảy ra ý này. Tuy lời dịch khác với lời gốc, nhưng ý tứ hay hơn rất nhiều. 

Bài nhạc này đã nghe đi nghe lại nhiều lần, trong nhiều hoàn cảnh, cách đây đã hơn hai ba năm. Chỉ lần này mới có dịp dịch lại. Tốn không ít công sức để dịch, nhiều lúc tưởng như nãn vì vốn không phải người ưa nhẫn nại. Nhưng vẫn đi được đến cùng. Phải chăng vì đồng cảnh ngộ ? Phải chăng là bởi tương tư ?

Bài Hồng Đậu Sinh Nam Quốc của Đồng Lệ


Comments

  1. Hồng đậu sinh nam quốc, nghĩa là thời Đường, nước Nam bao lần nổi lên, chàng trai nước Nam ra chiến trường kháng lại nhà Đường, bao người đi đều không trở về, những cô phụ nước Nam chờ chồng mà khóc đến máu nhỏ xuống đất mọc lên đậu đỏ

    ReplyDelete

Post a Comment

Để lại bình luận :...

Popular posts from this blog

Dịch Thơ: Mô Ngư Nhi - Nhạn Khâu của Nguyên Hiếu Vấn

Ai coi tiểu thuyết hay phim cổ trang Thần Điêu Hiệp Lữ của Kim Dung, chắc ai cũng có ấn tượng về bài thơ của Lý Mạc Sầu. Không ít người thuộc lòng, nhưng chắc không phải ai cũng rõ xuất xứ bài này. Trong tác phẩm Thần điêu hiệp lữ của Kim Dung, Lý Mạc Sầu chỉ hát nửa đầu của bài từ mà thôi: Hỏi thế gian Tình ái là gì nhỉ ? Sống chết một lời hứa luỵ Nam Bắc phân chia hai đàng Mưa dầm nắng dãi quan san Cánh chim bạt gió muôn ngàn khổ đau Chung quy một kiếp tình sầu Khi vui gang tấc Ngàn sầu biệt ly Biết cùng ai, biết nói gì Chỉ trông mây núi người đi không về... Bài này là một bài từ, nguyên văn như sau: Phần hán văn:  摸魚兒-雁丘 問世間、情是何物, 直教生死相許? 天南地北雙飛客, 老翅幾回寒暑。 歡樂趣、 離別苦, 就中更有痴兒女。 君應有語, 渺萬里層雲。 千山暮雪, 只影向誰去? 橫汾路、 寂寞當年蕭鼓, 荒煙依舊平楚。 招魂楚些何嗟及, 山鬼暗啼風雨。 天也妒、 未信與, 鶯兒燕子俱黃土。 千愁萬古, 為留待騷人。 狂歌痛飲, 來訪雁丘處。 Phiên âm: Mô ngư nhi - Nhạn khâu Vấn thế gian tình thị hà vật Trực giao sinh tử tương hứa Thiên nam địa bắc song phi khách Lão sí kỷ hồi hàn thử Hoan

Sáng Tác: "Thơ Thanh Giảng Tục" và "Thơ Tục Giảng Thanh"

Dẫn: "Thơ Thanh Giảng Tục" và "Thơ Tục Giảng Thanh" là hai loại trào phúng trong thơ tương đối thú vị, nhưng ít được coi trọng vì trái với lễ nghĩa thông thường.  "Thơ Thanh Giảng Tục" tức là bài thơ lời lẽ thanh cao, nhưng hàm nghĩa bên trong lại thô tục, thường là tả lại những cảnh phòng the. "Thơ Tục Giảng Thanh" tức là bài thơ lời lẽ thô tục, gợi cho người đọc những hình ảnh tục tiểu, nhưng giải nghĩa ra thì lại là những hình ảnh rất bình thường, trong sáng.  Thơ Thanh Giảng Tục:   Đánh Trận Đêm Một kẻ trông xuôi, kẻ chổng đầu, Anh hùng điên đảo giữa đêm thâu. Hang hùm mở thẳng đường hiểm địa, Kiếm ngọc đâm xuyên lối ngục sâu. Hai tướng giao tranh giành một tối, Tinh binh công tiến đánh giờ lâu. Thủy công, biển nước tràn hang cốc, Thắng trận, lui quân rửa máu sầu. Thơ Tục Giảng Thanh:  Thử Giầy Mới Hì hục hai tay mở lỗ tròn, Đút vào sao thấy hãy còn non. Thọc sâu, cả mép liền khít chặt. Thúc