Bình Luận Nghệ Thuật {grey}

Công Án Thiền Tông {grey}

Dịch Thơ {black}

Đối Đáp - Xướng Họa {grey}

Thơ Văn Xuôi {black}

Đường Luật {black}

Lục Bát Ký Sự {grey}

Thơ Tự Do {black}

Moi Trong Lịch Sử

Khảo Cứu Huyền Học {black}

BÀI MỚI NHẤT

Anh Trở Về Quê Cũ

item-thumbnail
anh trở về quê cũ
dừng giấc mơ yêu em lại
những tưởng ngày tháng còn dài
anh sẽ lại có em
thôi cố quên

anh trở về quê cũ
làm kẻ nông phu của anh
em tiếp tục tìm kiếm mộng lành
nơi xứ lạ
xứ lạ không anh.

anh trở về quê cũ
gặm nhắm kỷ niệm ngày xưa
chờ giấc mơ trưa
từ đâu lắng lại
thời bé dại
yêu em

Để đi đường xa, cần cả hai bàn tay nắm lại,
Chỉ một bàn tay vỗ sao nên tiếng, phải không em ?


Đọc thêm ...

Erté, Yểu Điệu Thục Nữ

item-thumbnail
Hôm nay ngày sinh của Erté, một trong những nghệ sĩ tài năng của Pháp. Vốn quên bén đi vì đang chuẩn bị cho chuyến đi du lịch, lướt một chút thì trang tin của Viện Met hiện lên, nhắc nhớ. Erté, tên thật là Romain de Tirtoff, thường ký tên R.T được phát âm thành Erté, mà sau này trở thành hiệu danh chính thức của ông.
Chữ ký của Erté
Erté không phải là họa sĩ theo đúng nghĩa, ông chỉ là một nhà thiết kế thời trang, một nhà thiết kế mỹ thuật; nhưng tài hoa của ông sớm được nhìn nhận như một họa sĩ và điêu khắc gia có ảnh hưởng trong thế kỷ 20. Di sản của ông, phần lớn là các bản vẽ minh họa, nhưng vẫn thể hiện gu thẩm mĩ tinh tế đặc biệt. 

Không mô tả nào phù hợp với tác phẩm của Erte bằng câu thơ tàu “yểu điệu thục nữ”[1]. Tác phẩm của Erte coi trọng đường cong, nhất là đường dợn sóng. Ở điểm này Erte gần với Victor Horta [2] hơn bất kỳ ai khác cho dù cả hai ở những lĩnh vực khác nhau. Cả hai yểu điệu đến mức cảm tưởng như tất cả tác phẩm được tạo nên bằng cách đồ lại những cuộn sóng ngoài biển. Erte yểu điệu trên trang giấy, Horta yểu điệu trên thanh sắt. Yểu điệu đến mức đường thẳng cũng dường như hóa cong. Ngắm mà xem.

Yểu điệu trong sáng tác của Erté.
Yểu điệu trong sáng tác của Horta.
Tác phẩm của Erté như cơn sóng dợn bãi biển.
Aubrey Beardsley[3] cũng yêu đường cong, nhưng mang màu sắc quỷ dị. Erte làm người ta yêu, Beardsley làm người ta sợ. Để minh họa, tôi chọn ra hai tác phẩm cùng sử dụng ảnh hưởng của Phương Đông, cùng cách mổ tả đơn sắc trắng-đen, nhưng cả hai vẫn thể hiện rõ phong thái khác biệt. Trong hình minh họa dưới đây, Beardsley dùng họa tiết con công theo kiểu Nhật, trong khi Erte dùng họa tiết đồng tiền theo kiểu Trung. Cả hai đều tập trung phô diễn nét huyền bí phương đông. Nhưng cô gái của Erte thì cảm giác muốn ôm ấp, còn con mụ của Beardsley thì nhìn chỉ muốn đá ra đường.

Thiết kế của Erte trên đây ảnh hướng văn hóa phương đông. Nét yểu điệu vẫn rất rõ. Khiến người ta yêu hơn sợ.
Đường cong của Aubrey Beardsley làm người ta sợ hơn là yêu. Tác phẩm này dùng ảnh hưởng của phong cách phương đông (Nhật).
Ba người còn lại mà chúng ta có thể ngó nghiêng so sánh về sự yểu điệu trong trào lưu Art Nouveau là Rene Gruau [4], Alphonse Mucha [5], và Louis Icart [6]. Yểu điệu của Gruau là con điếm Mỹ Quốc, sành đời và bất cần đời. Yểu điệu nhưng cáo già. Yểu điệu của Mucha là con thôn quê hoa hòe. Hoa hòe theo đúng nghĩa chữ hoa hòe. Yêu điệu mà diêm dúa. Dù vậy, rất đáng yêu và vô tư. Cuối cùng, yểu điệu của Icart là con Juliet mười ba tuổi của Shakespeare, sẵn sàng chết vì một thằng con trai vừa gặp nhau ba tiếng đồng hồ trong buổi tiệc; hoặc là một con bánh bèo vô dụng mê ngôn tình chỉ biết khóc và khóc và khóc và khóc ... 

Yểu điệu của Gruau.
Yểu điệu của Mucha.
Yểu điệu của Icart.
Tất nhiên ta có thể kể nhiều cái tên khác, cùng khu vực “fashion illustrator” với Erté, thay vì phải so sánh với các họa sĩ tài danh như Mucha hay Beardsley (đã vậy còn bị chê thậm tệ). Chẳng hạn, ta có thể nói về Dagmar Freuchen-Gale, Irwin Crosthwait, Paul Iribe [7] ... nhưng với tôi, họ chỉ đừng lại ở mức “talented fashion illustrator”. 

Tác phẩm của Dagmar Freuchen-Gale.
Tác phẩm của Irwin Crosthwait.
Tác phẩm của Paul Iribe.

[1] Câu thơ trong Kinh Thi, bài Quan Thư. 

[2] Victor Horta (1861 - 1947), nhà thiết kế mỹ thuật người Bỉ. Một trong những lãnh đạo của phong trào Nouveau Art.

[3] Aubrey Beardsley (1872 – 1898), nhà minh họa người Anh.

[4] Rene Gruau (1909 – 2004), một nhà minh họa thời trang người Ý. 

[5] Alphonse Mucha (1860 – 1939), một nhà thiết kế mỹ thuật người Czech. Một trong những lãnh đạo của phong trào Nouveau Art.

[6] Louis Icart (1888 - 1950), họa sĩ, nhà minh họa người Pháp. Ông này có thể không nên xếp vào nhóm Nouveau Art.

[7] Dagmar Freuchen-Gale, Irwin Crosthwait, Paul Iribe là những tên tuổi lớn trong giới minh họa thời trang.
Đọc thêm ...

[Công Án] Công Án Niêm Hoa Vi Tiếu

item-thumbnail


Khi Đức Phật ngự tại núi Linh Thứu, Ngài xoay một cành hoa trong tay và đưa ra trước thính chúng. Mọi người đều im lặng. Duy chỉ có Ma Ha Ca Diếp mỉm cười, nhưng vẫn cố giữ nghiêm nét mặt.

Đức Thế Tôn bảo: "Ta có nhãn tạng của chánh pháp, tâm của Niết bàn, thực nhận của vô tướng, và giáo pháp vi diệu khó nghĩ bàn. Không thể diễn bằng lời, mà chỉ biệt truyền ngoài giáo lý. Giáo pháp này ta giao lại cho Ma Ha Ca Diếp."

Nhã Hàn Am Khách bàn:

Công án này, cũng như nhiều công án khác của Vô Môn Quan, dễ hiểu hơn cả lời bàn. Người có thể luận công án này có quá nhiều, nhưng có thể luận được lời bàn của Vô Môn Quan không dễ đến trăm. Chỉ một câu: "Phật mặt vàng tưởng rằng có thể lừa được mọi người. Ông ta làm cho chư thiện tri thức trở nên lố bịch, mượn đầu heo bán thịt chó. " đã phá hoàn toàn cái tâm đắc của kẻ thiền sinh khi lãnh hội công án, trở về thực tại, bao nhiêu cái hiểu của công án đều trở về không. Giống như vừa lượm được hũ vàng, mở nắp ra lại toàn đống phân vàng. Là vàng hay là phân ? Thiền sinh không thấu triệt được công án này, lập tức mùi phân bay ra tức tưởi. Thế nào là treo đầu heo bán thịt chó ? Không đáp được, thì công án này coi như đi tong.

Lão phật mặt vàng đúng thật lừa người, đã bảo thực nhận vô tướng, lời không nói ra, lại vẽ vời hoa hòe, vô tướng thành ra hữu tướng. Chỉ vào vô tướng, cứ tưởng bày ra vô tướng cho hưởng, ai ngờ cũng chỉ là hữu tướng, chẳng phải treo đầu dê bán thịt chó đó sao. Lời nói hữu tướng, hành động chẳng lẽ lại vô tướng, đều là hữu tướng cả. Ma Ha Ca Diếp cũng thật ngây dị, tưởng lão mặt vàng bày cho thịt dê vô tướng, ai ngờ lại nhét một miếng thị chó hữu tướng. Ngậm chẳng đặng, nuốt chẳng trôi. Công án này như lưỡi câu, chớ tưởng mồi ngon mà non đớp, đều có cạm bẫy. Vô Môn Quan bảo Ma Ha Ca Diếp khờ khạo, e là chưa chắc đâu: "Nếu ngài bảo rằng sự liễu ngộ có thể truyền thừa, thì rõ ngài cũng giống như tên bịp thị thành lừa anh nhà quê khờ khạo, và nếu ngài bảo rằng nó không thể truyền thừa được thì tại sao ngài lại giao phó cho Ma Ha Ca Diếp?". Thiết tưởng Ma Ha Ca Diếp cười, chỉ sợ là cười ông thầy mặt vàng của mình, diễn trò không đạt thôi.

Công án này là một lưỡi câu, nuốt không đặng, nhả chẳng ra. Thiền sinh nào nhai cắm rồi, kiếp này chớ mong thành phật.
Đọc thêm ...

[Công Án] Công Án Hương Nghiêm Leo Câu

item-thumbnail

Thiền sư Hương Nghiêm nói: “Như người trên cây, miệng cắn vào cành, tay chân lơ lửng. Dưới cây có người hỏi: tổ sư Đạt Ma ở Tây Trúc lại, đã giảng được gì?, không đáp thì phụ người hỏi, còn đáp lại bỏ thân mất mạng. Vậy phải làm sao?“.

Công án này thật khó nhai, trả lời cũng chết, không trả lời cũng chết. Cho nên Vô Môn mới bàn là "dầu có lời biện luận khúc chiết đều không dùng được, giảng được một tạng kinh lớn cũng vô ích" vì vốn dĩ đạo nằm ngoài lời, càng giảng giải càng xa đạo. Thiền sinh, mười người hết chín người hiểu thấu đạo lý này, nhưng gặp công án này vẫn không đáp được. Là vì sao ? Vì thật ra chỉ cầm được bình rượu lại không uống được rượu, mấy câu uống rượu sẽ say chỉ là nghe nói lại, rượu chưa uống nên không đáp được. Vô môn nói không sai, nếu đáp được chỗ ấy thì khơi dậy được con đường chết trước kia, diệt được con đường sống trước kia; còn nếu chưa đáp được thì chờ sau này hỏi Di Lạc. Công án này của thiền sư Hương Nghiêm quả thật như dao chém thẳng lên đỉnh đầu, thiền sinh nào không hội được, liền bị chém chết.

Công án này nếu thiền sinh hỏi ngược lại thiền sư Hương Nghiêm: "Thiền sư đáp lại chẳng mất mạng, lại còn hỏi làm gì?" thì thiền sư Hương Nghiêm chắc cũng chỉ dám cười ha hả. Hoặc giả cứ thẳng túc trả lời: "Hai tay để không, hái hoa chờ cười" thì chắc thiền sư Hương Nghiêm chắc không chất vấn được, nếu chất vấn được, thì cứ đến Phật Tổ mà hỏi.
Đọc thêm ...

[Công Án] Công Án Triệu Châu Rửa Bát

item-thumbnail


Một vị tăng thưa với Triệu Châu: "Con vừa nhập thiền thất, Xin chỉ dạy. "Triệu Châu hỏi: "Con đã ăn cháo chưa?". Vị tăng trả lời: "Bạch, đã ăn rồi. ". Triệu Châu nói: "Vậy thì đi rửa bát đi.". Ngay lúc đó vị tăng liễu ngộ.

Cái khó trong công án này là ở chỗ, khám phá được chữ "bình thường" trong câu "bình thường tâm thị đạo" của thiền sư Nam Tuyền trả lời cho thiền sư Triệu Châu. Người đạt đạo thì lấy cái bình thường để sống, không gò không ép, không mong, không cầu. Nhưng cái bình thường này lại không tầm thường. Cho nên Vô Môn mới bàn là "Ta mong rằng ông ta không nhầm cái chuông với bình chế nước.". Nhiều người bảo, công án này vốn dễ hiểu, chỉ lời bàn là khó hiểu thôi. Ai thật hiểu công án này, cũng phải thật hiểu lời bàn của Vô Môn, nếu không chỉ là bóng trăng đáy nước. Người đạt đạo tâm không có chướng ngại, hành động cũng không chướng ngại, ăn uống ngủ nghỉ đều không chướng ngại. Người bình thường cũng ăn uống ngủ nghỉ như vậy, nhưng trong lòng có chướng ngại. Bề ngoài nhìn vào không khác gì nhau, kỳ thực lại khác rất lớn. Cho nên Vô Môn ở trên chỉ cho thấy câu "bình thường tâm thị đạo" thì ngay ở dưới chém một nhát thật đau để thấy câu "bình thường thì lại không phải là đạo". Đó chính là ý của câu "Ta mong rằng ông ta không nhầm cái chuông với bình chế nước.". Chuông và bính chế nước, hình dạng tương tự, công dụng thì lại khác xa. Người đạt đạo và người tầm thường, hình dung tương tự, trí tuệ lại khác xa nhau. Chớ có vinh vào câu "bình thường tâm thị đạo" để dương dương tự đắc cái tầm thường của bản thân mà cứ tưởng đạt đạo.

Vị tăng trong công án kia có liễu ngộ thật không, hay lại nhầm chuông với bình chế nước rồi, thật không rõ. Chỉ biết thiền sinh lướt qua công án này, không nên lầm lẫn. Người học phật ở Việt Nam rất hay vướng cái bịnh này, bám suốt vào câu "bình thường tâm thị đạo" của tổ Nam Tuyền như bám mẹ, thoát mãi không ra vì mãi nhầm giả tướng với thật tướng. Bản thân mình khi học phật cũng vướng cái bịnh này khá lâu. Thật may là tổ Triệu Châu thấy được bịnh này, lại cho thuốc chữa rất là hiệu quả. Chỉ một câu "Ta mong rằng ông ta không nhầm cái chuông với bình chế nước." đáng giá ngàn vàng, là tâm dược chữa bịnh quý giá. Lời của tổ, quả kinh người.

Ảnh minh họa: Buddha In My Mind Digital Art by H Kopp-Delaney
Đọc thêm ...

[Công Án] Công Án Con Chó Của Triệu Châu

item-thumbnail


Một ông tăng hỏi hòa thượng Triệu Châu:
- Con chó có Phật tánh không?
Sư đáp:
- Đều là Không

Cái khó của công án này là ở chổ, nếu bảo con chó có Phật tánh thì sao nó không thành phật, nếu bảo con chó không có Phật tánh vậy thì nó lẫn người cũng không thành phật. Vậy trả lời có hay không có thì cũng đều không thành phật được. Trả lời không thì chấp vào không, trả lời có thì chấp vào có. Thành ra trả lời không được là đúng. Cho nên Vô Môn Quan mới nói, "ngươi như kẻ nằm mộng, biết mà không thể nói ra được", đó là ý này.

Sư đáp Không, vốn không phải là câu trả lời cho câu hỏi, mà là câu trả lời cho chủ ý hỏi. Nếu hiểu chữ Không này rồi, thì không còn câu hỏi này nữa, còn câu hỏi này tức là chưa hiểu chữ Không. Con chó không phải con chó, phật tánh cũng chẳng phải phật tánh, thế thì con có có phật tánh hay không còn có ý nghĩa gì ?

Nếu tăng hỏi lại sư "Con chó là Không, hay phật tánh là Không?" thì không biết sư sẽ trả lời thế nào ?
Đọc thêm ...

[Công Án] Phật Tính

item-thumbnail


Hôm nay, có đọc vài bài viết trên mấy trang Phật Giáo, nói về công đức của việc niệm phật. Thấy có nhiều tranh cãi về tịnh độ, chợt nhớ về lần trò chuyện cùng một vị bằng hữu nghiên cứu Lão Trang, có nói câu này: "Nếu chỉ niệm phật mà thành phật, thì cái cát sét thành phật trước nhứt".

Nghĩ đến câu này thôi cũng buồn cuời rồi. Là vầy, ở Việt Nam, có vụ thâu băng cát sét các lời kinh, xong rồi mở nghe vừa để học thuộc, và nhiều khi để tiết kiệm chi phí pháp sự. Sau này mấy băng phát tự động trở thành một trào lưu, nhiều nhà phật tử hay dùng. Có mấy người mình biết, bảo mở riết quen, dễ ngủ, không mở là không có ngủ được, phải ê a cả đêm mới ngon giấc. Nếu nói phật tính, giả chừng cái máy cát sét là có phật tính hơn cả, phỏng ?
Đọc thêm ...

Đối Đáp Thơ: Lại Thơ Răng Đe

item-thumbnail

Kể chuyện cũ thế này. Hổm dạo lại mấy diễn đàn thơ hồi xưa từng tham gia, vô tình đọc lại được một bài khá hung dữ của bản thân. Là vầy, trong thi đàn Thất Ngôn Bát Cú, có một em nào ngây ngô vô đăng một bài thơ quá tệ. Không chịu nổi nên làm một bài thơ mắng mỏ. Ẻm lại không biết ý tứ, làm thêm một bài nữa nói xéo nói xắt, thế là lại tiếp một bài mắng mỏ.




Bài trong khung là ẻm làm, bài ngoài khung là mình đối đáp lại. Nhiều người cứ nghĩ sư tử ăn chay, thực không phải vậy.

bóng người khuất trọn giữa non cao 
bao năm biệt tích chốn phương nào 
con ngóng từ phụ khắc khắc tưởng 
khuê phòng quạnh quẻ thời thời than 
tâm sanh u uất tâm sanh hận 
nữa kiếp đợi người nữa kiếp oan 
chỉ thương trẻ nhỏ phận đời bạc 
nuốt lệ dìu con sống lầm than

Làm thơ tùy hứng chẳng cần cao,
Nhưng há mặc ai ngớ ngẩn nào !
Bằng trắc còn chưa thông chớ tưởng,
Câu vần quá kém chẳng buồn than.
Lời ngay, nói thẳng, xin đừng hận,
Thơ nhạt, lạc đề, chẳng có oan.
Thà luyện vài năm rồi bàn bạc,
Còn hơn múa bút lại lầm than.

họa thơ như ắt họa lòng người 
trăm năm thi đẹp họa mấy mươi 
văn thô ý cạn âu bồi đấp 
gói trọn tâm tư đặt lời thơ 
ngu nhân trao dồi nên kẻ sĩ 
thi sâu lòng hẹp thất họa tâm 
thao trường nơi dành người nhân nghĩa 
biết đặt nên chổ để nên lời

Tám câu không được một vần,
Vì tâm chẳng được một phần vào thơ.
Hỏi lòng hòi hẹp nghi ngờ,
Đừng đem sân hận mà vờ nghĩa nhân.
Nếu tâm sáng tựa trăng ngần,
Tự nhiên thơ cũng sáng ngần như trăng.
Mượn câu dạy của cổ nhân:
Một câu thơ hạ, trăm lần cân đo.

Làm thơ nếu không tự nghiêm khắc với bản thân, mượn chữ phóng khoáng mà dễ dãi, thì mãi mãi không thể thành tựu. Mỗi câu thơ viết ra, nếu không đạt thì tuyệt đối không hạ chữ. Còn làm cho có, chẳng rèn dũa thì chẳng thà không làm còn hơn. Làm thơ mà đến chữ đầu viết hoa, cuối câu dấu chấm cũng không làm cho trọn vẹn được, thì đừng mượn câu nhân nghĩa mà giải bày chi thêm.

Vườn thơ, hoa có thể có loài có hương, lòai không có, cũng đều được cả. Nhưng nhất quyết cỏ dại thì phải nhổ bỏ, không thể ngồi không.
Đọc thêm ...

Sáng Tác: Không Đề

item-thumbnail
Không mất đi đâu cả, tình yêu cũ. Chôn ở đây, ở đáy con tim. Trong cơn mơ, những kiếm tìm, bầu trời xanh nắng hạ. Những gì ta biết về nhau, đột nhiên thấy lạ. Người lạ không quen.


Anh nhắn tin em, không lời trở lại. Mây trời trôi mãi, trôi mãi trần gian. Hạt nắng hoang đàn, sợi gió hờ hững. Hai ta lững dững, bước nhẹ qua nhau.

Nhìn lên trời cao, gió thu ào ạt thổi. Là người có lỗi, gió tát những cái thật đau. Nước mắt không màu. Chớ có đổ thừa, rằng mưa rơi ướt áo. Vì có cơnmưa nào lại thấm ướt con tim ?


Minh họa: The Everly Brothers, 'Crying in the Rain'


Đọc thêm ...

Sáng Tác: Phút Này

item-thumbnail

Thiên kiếp trước chẳng thấy,
Vạn kiếp sau chẳng hay,
Cầu chi điều nghi hoặc,
Sống tốt giây phút này...


Đọc thêm ...

Narcissus, Chứng Bệnh Thời Đại

item-thumbnail
Vừa nhận lời viết cho Vừng Ơi, một phong trào văn hoá ở Đà Nẵng. Loay hoay tìm chủ đề mãi chưa có. Vô tình đọc lại cuốn Nhà Giả Kim của Paulo Coelho. Thôi đừng nói về Paulo Coelho mà hãy nói về Narcissus.

Trong Nhà Giả Kim của Paulo Coelho mở đầu bằng câu chuyện về Narcissus, cho nên trộm nghĩ không có lời mở đầu nào hay cho bằng trích lại đoạn sách ấy cho đọc giả:

"Dĩ nhiên, ông không lạ gì truyền thuyết về chàng Narcissus xinh trai, ngày ngày soi mặt trên hồ nước để tự chiêm ngưỡng sắc đẹp của mình. Chàng say mê chính mình đến nỗi một ngày kia nghiêng quá đà, ngã xuống hồ và chết đuối. Thế là từ nơi đó mọc lên một bông hoa đẹp, mang tên chàng Narcissus. [...] sau khi chàng chết, những nàng tiên trong rừng hiện ra, thấy hồ nước ngọt kia giờ đã biến thành một đầm lầy mặn vì nước mắt.
“Vì sao em khóc ?” – các nàng tiên hỏi.
“Vì em thương tiếc chàng Narcissus”, hồ nước đáp.
“Phải rồi. Các chị chẳng ngạc nhiên tí nào. Và tuy tất cả chúng ta đều theo đuổi chàng nhưng chỉ mình em được chiêm ngưỡng sắc đẹp tuyệt vời ấy”. “Chàng xinh trai đến thế ư ?”, hồ nước ngơ ngác hỏi.
“Còn ai biết điều này rõ hơn là em chứ ?” – các nàng tiên ngạc nhiên – “ngày nào mà chàng chẳng cúi người soi mình trên mặt hồ”.
Nghe thế, hồ nước im lăng hồi lâu rồi mới đáp : “Đúng là em khóc chàng Narziss, nhưng em chưa bao giờ để ý rằng chàng đẹp trai đến thế. Em khóc chàng vì mỗi lần chàng soi người trên mặt hồ thì em mới thấy được sắc đẹp của chính em hiện lên rõ trong đôi mắt chàng”.

Chứng tự ái kỷ của cái hồ, rõ ràng là chỉ hơn chứ không kém Narcissus.

Narcisse là hình mẫu của chứng tự ái kỷ, yêu bản thân đến mức điên rồ. Được biết chủ yếu nhờ câu chuyện trong tác phẩm kinh điển Metamorphoses của thi sĩ Ovid. Trong cuốn số 3 của tác phẩm này, Ovid kể về tình yêu của Echo dành cho Narcisse. Echo (tiếng vọng) yêu Narcissus nồng cháy, nhưng vì Echo chỉ có thể lập lại những gì người khác nói, chứ không thể thổ lộ tình yêu đó nên Narcissus đã bỏ rơi nàng. Nemesis, nữ thần trả thù, nghe được câu chuyện đó và quyết định trừng phạt Narcissus. Nữ thần dẫn dụ Narcissus nhìn thấy gương mặt của chàng ở bờ nước, và chàng tự yêu lấy tấm ảo ảnh đó. Không thể đạt được tình yêu với cái bóng của chính mình, Narcissus nhảy xuống sông cùng với ảo ảnh của chàng và chết.

Narcissus của Caravaggion (1597-1599).
Tranh về Narcisse thường khá giống nhau: hình ảnh chàng trai nhìn đắm đuối xuống hình ảnh phản chiếu của mình trên mặt nước. Bức nổi tiếng nhất có lẽ là của Caravaggio. Bức tranh nay được đặt ở Viện Triễn Lãm Quốc Gia Về Nghệ Thuật Cổ của Roma, Italia. Khéo léo đặt đối xứng giữa một bên là người thật, một bên là ảo ảnh. Bên người thật sáng sủa, rõ ràng bao nhiêu, thì bên ảo ảnh âm u, tăm tối bấy nhiêu. Narcissus được mô tả dưới dạng một cậu trai với khuôn mặt bầu bĩnh, đắm đuối nhìn ảo ảnh của chính mình trên mặt nước. Khuôn mặt ngây thơ của cậu trai cho thấy cách nhìn của Caravaggio về Narcissus có ít nhiều thiện cảm. Ông coi tình yêu mù quáng của Narcissus với chính mình chỉ là một tình yêu trong trắng hồn nhiên. Hai tay chống xuống bờ nước, cùng với ảo ảnh của chính cậu, tạo thành một vòng tròn khép kín, trong đó vị trí gối đóng vai trò trung tâm của vòng tròn. Cách tạo vòng tròn này tạo cho người xem cảm giác bức bối, như bị bó hẹp trong vòng tròn ấy, bị bao vây bởi hai ảnh thực-ảo đối lập mà không thể thoát ra. Nó khiến cho chủ đề của bức tranh được giác quan của mắt tô đậm nét: sự mù quáng của loài người. 

Về mặt kỹ thuật, tranh Narcissus vào thời kỳ này thường được dùng để phô bày sự tinh tế trong nét vẽ ảnh phản chiếu trên mặt nước [2]. Đặt biệt là kỹ thuật vẽ chiaroscuro (tương phản giữa ánh sáng và bóng tối), được sử dụng thường xuyên trong chủ đề này. Điểm thú vị của bức này ở chỗ, đây là bức duy nhất Caravaggio sử dụng kỹ thuật này ở ảnh phản chiếu mặt nước.

Người mẫu để vẽ Narcissus ở bức này có thể là cùng một người mẫu với bức Rest on the Flight into Egypt, trong vai thiên thần hoặc bức Victorius Cupid, cũng trong vai thiên thần Cupid. Ta có thể nhận ra mái tóc nâu, góc mũi và đặc biệt là cái miệng. Cái áo của Narcissus có thể đã được dùng nhiều lần cho các lần vẽ của Caravaggio, đặc biệt nhận ra bộ áo này ở bức The Panitent Magdelene. Có thể dự đoán sự ra đời của bức tranh này cùng thời với bức tranh về Magdelene vào khoảng những năm 1594-1595 [3], khi Caravaggion làm việc cho danh họa đương thời Giuseppe Cesari [4] vào những năm đầu đến Rome. Hẳn đây là thời kỳ nghèo túng của Caravaggio trước khi ông bắt đầu nổi tiếng vào những năm 1600.

Rest on the Flight into Egypt của Caravaggio
Victorius Cupid của Caravaggio
The Panitent Magdelene của Caravaggio
Bức của Caravaggio được yêu thích bởi hai lẽ. Một là, hình ảnh Narcissus đáng yêu, hồn nhiên và ít nhục dục hơn phần lớn những bức vẽ khác. Hai là, hình ảnh Narcissus trong Caravaggio không chứa cảm giác sầu não, dù ít nhiều u buồn. Chẳng hạn, bức Narcissus And Echo của Nicolas Poussin với thảm cảnh Narcissus nằm chết trên bờ đá, cùng với thái độ bàng quang của Eros, thần tình yêu và Echo. Narcissus, dưới dạng một chàng trai trưởng thành, là trung tâm của bức tranh, với tư thế chết như đang nằm ngủ. Bên tóc, những nhành hoa thủy tiên nở rộ, giống như trong truyền thuyết, chàng Narcissus chết đi hóa thành hoa thủy tiên (hoa narcisse) mang tên chàng. Echo nằm trên tảng đá khá thờ ơ, thậm chí mắt còn không nhìn Narcissus ! Nàng Echo nằm ở đây thật vô duyên, đây là điểm trừ cho bối cảnh này. Và cả với Eros, với cái nhìn chẳng đâu vào đâu.  Chúng ta nhận ra Eros với đôi cánh nhỏ, cây cung đeo trên vai. Với những ai sành biểu tượng, hình ảnh ngọn đuốc trong tay của Eros là một biểu tượng của cái chết. Nó đại diện cho nữ thần Hecate, người bảo trợ cho linh hồn và thuật triệu hồn [7]. Ngọn lửa của cây đuốc gắng liền với nghi lễ đưa tang, khi người ta dùng nó để thắp sáng trong buổi tiễn đưa (thường vào buổi tối) [8]. Đây là một bức được biết nhiều nhưng là một bức điểm trừ của Poussin. 

Narcissus and Echo (1629-1630) của Nicolas Poussin
Hai bức có tư thế gợi cảm nhất của Narcissus thuộc về tranh của John William Waterhouse và Karl Bryullov. 

Bức của Karl Brulloff gây được ấn tượng mạnh bởi hình ảnh cơ thể của Narcissus. Karl Brulloff là một đại danh họa người Nga, thường được giới họa sĩ Nga tôn trọng gọi là The Great Karl (Karl Vĩ Đại). Bức The Narcissus và bức Genius of Art là hai bức thể hiện rõ ảnh hưởng của chủ nghĩa tân cổ điển (neoclassicism), trước khi ông tiến hẳn về chủ nghĩa lãng mạn (romanticism), điển hình như bức Girl Gathering Grapes in a Suburb of Naples và bức Italian Midday (cùng vẽ năm 1927). Sở dĩ tôi chọn so sánh bức The Narcissus với mấy bức trên là vì nó cùng kiểu tư thế của nhân vật, đặc biệt là góc mặt và ánh mắt, nhưng với hai trường phái khác nhau, tạo nên sự khác biệt ngoạn mục. Ở bức The Narcissus, ảnh hưởng bởi chủ nghĩa tân cổ điển (neoclassicism), rất ưa làm nổi bật lên đường nét cơ thể, trong đó nhân vật là chủ thể anh hùng của bức tranh. Yếu tố xử lý ánh sáng vẫn tiếp tục đóng vai trò lớn, tuy nhiên, đã không còn dáng vẻ u uất, trầm tư mà mang hơi thở rắn rỏi và mạnh mẽ. Các yếu tố ước lệ, hoặc tượng trưng được giản lược đến mức thấp nhất (không rườm rà như bức của Poussin). Ngoài hình ảnh của Eros, thần tình yêu, ra; thì Echo không xuất hiện trong bức tranh này. Narcissus, rắn rỏi, mạnh khỏe, nhìn ảo ảnh một cách có kiểm soát. Khác với phong thái Baroque trong bức của Poussin, hay Caravaggio thường mô tả Narcissus sắp nhảy xuống dòng nước; Narcissus ở bức của Bryullov chẳng có dáng vẻ gì là sắp tự tử cả, mà ngược lại là sự tự tin vào nhan sắc của bản thân, nhờ mang ảnh hưởng tân cổ điển. Đây là điểm khác biệt lớn nhất tạo nên sự khác biệt của The Narcissus của Great Karl và Narcissus của Poussin hay Caravaggio.

The Narcissus - Karl Bryullov, 1819. Phong cách tân cổ điển đậm nét.
Genius of Art (1817) của Karl Brulloff . Vẫn còn khá rườm, nhưng chủ thể đã nắm được tính chủ động của bức tranh. Bức này và bức The Narcissus, thể hiện tương đối rõ chủ nghĩa tân cổ điển.

A Girl Gathering Grapes in the Suburb of Naples (1827) của Karl Brulloff. Bức này thì hoàn toàn thuộc về chủ nghĩa lãng mạn.

Italian Midday với đề tài hái nho của Karl Brulloff. Vẫn đặc trưng với chủ nghĩa lãng mạn. Nét mặt diễm tình và gợi cảm.  Khác với không khí tân cổ điển hay baroque.

Đặc biệt thích bức của John William Waterhouse với tựa đề Echo và Narcissus, vẽ năm 1903. Đặc điểm thú vị của Waterhouse so với các vị tiền bối là không sử dụng những chiêu trò về ánh sáng và bóng tối đầy bức bối, kiểu cách và bức bối. Chưa đến mức coi thường kỷ thuật như impressionism, vẫn đề cao sự chân thực như realism, nhưng thoáng đãng hơn, thơ mộng hơn do ảnh hưởng của romanticism, Waterhouse và các họa sĩ tiền-raphael khác trở lại với những gam màu rực rỡ, tươi tắn. Trường hợp của Waterhouse ở bức Echo và Narcissus là đặc biệt xuất sắc. Cần chú ý là Waterhouse chưa bao giờ được công nhận như một danh họa xuất sắc của trào lưu ngắn ngủi này (kéo dài chỉ chưa đến mười năm) như nhóm thất huynh đệ (The Seven of Pre-Raphaelite Brotherhood: William Holman Hunt, John Everett Millais, Dante Gabriel Rossetti, William Michael Rossetti, James Collinson, Frederic George Stephens và Thomas Woolner). Nhưng theo cách nhìn nhận của tôi, bức này xứng đáng nằm trong những tác phẩm tiêu biểu của phái này. Bố trí Echo ở một góc và Narcissus ở một góc; Echo ở vị trí lớp trước, Narcissus ở lớp sau; Echo nhìn Narcissus, còn Narcissus nhìn mặt nước. Khu rừng với màu xanh và xám tối được tô điểm bởi hai thân thể trắng nõn nà của Narcissus và Echo. Tấm vải voan hồng và đỏ quành quanh trên thân thể của Echo và Narcissus nổi bật hoàn toàn cùng với thân thể trắng nõn. Tuyệt ! Mùi của impressionism là đây ! Mặt trời của ấn tượng là đây (sun of impressionism) [9]. Thơ mộng của chủ nghĩa lãng mạn nằm này trong bố cục, trong phối cảnh này, trong màu sắc tươi tắn gợi tình này. Narcissus hở lưng, Echo hở vú. Mắt của Echo chăm chú nhìn Narcissus đầy say đắm, còn mắt của Narcissus nhìn bản thân dưới làn nước cũng đầy say đắm. Phải tinh ý lắm mới nhận ra điểm khác biệt giữa hai tình yêu này: tay Echo nắm chặt, là một tình yêu còn sự kềm chế; tay Narcissus với tới bóng trong nước, là tình yêu mù quáng không còn khống chế nỗi. Đôi mông nhỏm lên, đây là phút khắc trước khi Narcissus nhảy xuống trầm mình và chết. Bức tranh này là đúng một phút trước khi cớ sự xảy ra (vẫn cảm giác được cảm hứng baroque ở đây). Tài tình !

Đây là bức tranh đáng treo ở bất kỳ phòng ngủ của vợ chồng nào. Vừa lãng mạn, vừa tươi tắn, xen chút nhục dục nhẹ nhàng. Hãy so sánh nó với bức A Naiad or Hylas with a Nymph vẽ năm 1893 với các tư thế giống với bức Echo and Narcissus của cùng tác giả, mà theo tôi là nên treo ở phòng ngủ nhà tình nhân là phù hợp hơn.

Echo and Narcissus (1903) của John William Waterhouse.

A Naiad or Hylas with a Nymph (1893) của John William Waterhouse
Bức của Benjamin West có lẽ mang ảnh hưởng ít nhiều chủ nghĩa lãng mạn, khi mô tả Narcissus rất đời thường và ít tính "kinh điển", nhưng nhìn chung ít lãng mạn. Mặc dù xuất hiện khá nhiều hình ảnh biểu tượng (thần Eros, ở khắp nơi), mảng sáng tối của baroque  nhưng cách mô tả ít gò bó hơn nhiều. Bức tranh không gây được cảm tình nhiều lắm vì hai lẽ. Một là tư thế của Echo quá kỳ cục và kém tự nhiên, mô tả lại quá mờ nhạt, mặc dù đây là một trong hai chủ điểm của bức tranh (à vâng, bức tranh tên là Narcissus and Echo). Hai là hình ảnh Narcissus như chàng thanh niên đang giỡn nước, chẳng có vẻ gì liên quan đến đặc trưng của Narcissus. Chưa kể tư thế khá xấu của chàng. Tính cao trào nên có ở bức này thì lại hoàn toàn vắng bóng, khiến nó kém thu hút hơn những bức đã kể bên trên thuộc baroque, lại không đủ tươi tắn để đấu lại với các bức thuộc chủ nghĩa lãng mạn, chủ điểm cũng không được nổi bật để đấu với các bức tân cổ điển. Cả đám thiên thần vẽ dưới nước chỉ làm rối thêm bức tranh mà không mang lại giá trị gì, khi nó giành giật ánh nhìn của người xem, thay vì tập trung vào Narcissus. Hoặc là tác giả muốn dùng hình ảnh của thần tình yêu để thay thế cho cái bóng oan nghiệt bởi tình yêu mù quáng, nên mới cố tình xếp đặt như vậy? Có thể lắm. Cơ mà nhìn tư thế Narcissus, trông cứ như chuẩn bị xuống tắm chứ chẳng trầm tư chi. Chưa kể một điểm vô lý, áo chàng bay phấp phới bởi cơn gió to thế, mà tóc chàng thì chẳng bị ảnh hưởng gì. 

Thử so bức này với bức Adonis cũng của West, thì nhân vật được khắc họa tuyệt vời hơn rất nhiều. Chú ý cả hai đều vẽ cùng thời điểm: Adonis vẽ trước 1800 và chỉnh sửa vào 1806; còn Narcissus and Echo vẽ năm 1805. Bức Narcissus này khiến tôi nhớ đến một nhân vật Narcissus trong Harry Porter, Narcissa Malfoy, một kẻ tự tin về dòng máu thuần chủng, và sắc đẹp của bản thân.  JK.Rowling đã rất tinh tế khi cho nhân vật này một mái tóc vàng hoe (tôi không kỳ thị gì mấy cô tóc vàng hoe đâu). 



Benjamin West, Narcissus and Echo (1805)
Adonis (1800) của Benjamin West
Nãy giờ cứ nhắc về tân cổ điển, giới thiệu chút vậy (không phải ngẫu nhiên đâu, có ý đồ hết đấy, chút sẽ thấy). Tân cổ điển (neoclassicism) được ra đời nhằm phục hồi lại nét phóng khoáng, tập trung vào nhân vật, biểu cảm của chủ thể, thay vì tập trung vào kỹ thuật vẽ (kỹ thuật mô phỏng hiệu ứng ánh sáng và bóng tối trong baroque, kỹ thuật mô tả phức tạp và cầu kỳ trong rococo), hoặc mang nặng sự mô tả có tính biểu trưng của đề tài như mannerism. Nó được cổ võ và gợi hứng nhờ các phát hiện khảo cổ ở Pompeii và Herculaneum (1748 bởi  Rocque Joaquin de Alcubierre), đặc biệt là sự ra đời của cuốn  Le Antichità di Ercolano ("The Antiquities of Herculaneum"). Các nhà họa gia thời điểm đó xem hình mẫu của cổ Hi Lạp và cổ La Mã là hình mẫu điển hình để học tập, đặc biệt là các bức tranh tường được tìm thấy ở Pompeii. 

Điểm đáng nói là đây. Mãi sau này, người ta mới phát hiện được tranh về Narcissus ở Pompeii (khi những lão già của phái Tân Cổ Điển đã chết). Hãy so sánh nó với những bức tranh bên trên. Chúng ta nhận ra nhân vật Narcissus nhờ vào hình ảnh bóng khuôn mặt chàng trai trong dòng nước bên dưới. Điểm thú vị nhất là bức tranh Narcissus ở Pompeii không phải là bức tranh thú vị theo đúng nghĩa của nó: nó không có phong thái phóng khoáng và biểu cảm tinh tế của tân cổ điển. Trớ trêu thay, các đại họa gia Tân Cổ Điển đã không thấy được cảnh này. 

Narcissus, tranh trang trí ở thành phố Pompeii.
 Một bức khác mà tôi muốn giới thiệu, nhưng không phân tích là  bức Liriope Bringing Narcissus before Tiresias của Guilio Carpioni. Bức này mô tả cảnh xác Narcissus được bưng ra trước Tiresias, nhà tiên tri. Tiresias đã tiên đoán rằng "Narcissus sẽ chết trước khi kịp nhận thức ra bản thân mình". Ờ thì ngoài đức Khổng Phu Tử, "ngũ thập niên tri thiên mệnh" ra thì còn ai kịp làm điều đó đâu. Kể chuyện một chút về ông Tiresias này. Tiresias là nhà tiên tri vĩ đại nhất trong truyền thuyết Hi Lạp. Ông là con của thủ lĩnh Everes và nàng nymph Chariclo. Ông là tư tế của thần Zeus, vì một lần ông quấy phá hai con rắn, nên bị biến thành phụ nữ. Ông lại trở thành nữ tư tế của nữ thần Hera, vợ Zeus. Sau bảy năm làm vợ và có con, Tiresias lại một lần nữa quấy phá hai con rắn và bị biến thành nam trở lại. Zeus và Hera bèn lôi ông lên núi Olympia để hỏi xem ông là nam hay nữ. Zeus đoán ông là nữ, Hera đoán ông làm nam. Để chứng cho lời của Zeus là đúng (nịnh người quyền lực nhất có vẻ là quyết định khôn ngoan), ông đến ngồi kế bên Zeus, Hera giận quá bèn chọc mù mắt của Tiresias. Thần Zeus vì không thể chống lại ý chí của vợ, đành ban cho ông đặc ân khác: sự tiên tri. Hera và Zeus hối hận (Zeus thì chắn chắn, còn Hera thì chưa chắc) bèn cho ông quyền lực của sự tiên tri gồm cả tiên tri về nam và về nữ, vừa là nam tư tế của Zeus và nữ tư tế của Hera. Nhờ món quà này, ông không bao giờ đoán sai và ông luôn được sự tôn trọng của toàn cõi Hi Lạp. Hình ảnh vị tiên tri mù này là một trong những hình ảnh trong lá Hermit trong bộ Tarot. Tôi nhớ một câu này không rõ khi nào: có khi người mù sáng hơn người mắt sáng.

Lý do tôi không phân tích bức này là vì làm gì thấy Narcissus đâu mà còn hứng phân tích, chỉ thấy mỗi cái cặp giò thì có thú vị gì. Tôi nhắc lại là tôi chẳng thù ghét gì mấy cô chân dài đâu nhá.



Liriope Bringing Narcissus before Tiresias, Giulio Carpioni, c. 1660-1670.

 Bức của Benczúr Gyula thì quá đẹp và tuyệt vời. Ngoại trừ chả ai thấy nó có điểm gì là gợi nhớ đến Narcissus cả. Có chăng là gợi nhớ đến David hay một chàng trai nào đấy, mặc dù tạo hình quá ư gợi cảm.

Narcissus (1881) của Magyar Nemzeti Galéria, Budapest


Bức cuối cùng về Narcissus mà tôi muốn giới thiệu là bức The Metamorphosis of Narcissus của Salvador Dali. Quá phức tạp để phân tích. Quá dài để nói về nó. Và có nhiều cách để xem bức tranh này. Cách mà tôi đề xuất, ta có thể chia tranh này thành hai mảng lớn, mảng trái và mảng phải. Tôi đề nghị xem bức tranh này giống như cách xem tranh trung cổ. Nửa trái là cảnh hiến sinh, nửa phải là sự phục sinh. Cần chú ý là cả hai đối tượng trung tâm: hình ảnh Narcissus đang ngồi và hình ảnh bàn tay cần quả trứng có cùng hình khối tạo tác (xem ảnh so sánh bên dưới). Cả hai là một ảo ảnh của nhau: một là ảo ảnh của quá khứ hiến sinh, một là ảo ảnh của hiện tại phục sinh. Hai tông màu chủ đạo cũng khách biệt nhau: một màu vàng cam (nóng), một màu xanh vàng nhợt (lạnh).

 

Cần chú ý ảnh hưởng của Simon Freud trong bức tranh này. Chúng ta biết là Freud, dưới sự ủng hộ của Stéphane Zweig, đã thúc đẩy cuộc gặp gỡ giữa Dali và Freud, để cùng xem bức tranh này từ chính Dali vào ngày 19 tháng bảy năm 1938, chưa đầy một năm sau khi hoàn thành bức tranh. Tư liệu này đến từ cuốn la correspondance entre Freud et S.Zweig (Paris, Rivages, p 123,129) mang theo nhận xét của Freud về Dali: Tôi thật sự cảm ơn [Zweig] vì đã mang cho tôi vị khách mời tối qua. Bởi vì tôi đã gần như là được những họa sĩ siêu thực xem là vị thánh bảo trợ cho họ, giống như những kẻ hoàn toàn điên rồ. Chúng ta còn được biết nhiều tư liệu về buổi tối đó trong cuốn Influence du surréalisme sur la psychanalyse của Paolo Scopelliti, (p. 182).




Hãy chú ý hình ảnh của Narcissus ! Tư thế này, Narcissus không nhìn vào chính mình dưới nước, mà nhìn vào bộ phận sinh dục của chính mình. Narcissus không yêu bản ngã dưới dạng hình thức, mà yêu chính bản ngã dưới dạng tiềm thức. Cần nhớ là Freud định nghĩa Narcissism như là "sự dịch chuyển của libido (ham muốn) của một cá nhân lên chính thân thể của cá nhân đó, chủ thể của 'cái tôi' ". Ở bức tranh này, là chiều ngược lại. Narciscism của Dali không cần sự dịch chuyển mà trỏ ngay chính 'cái tôi' đó.

Hình ảnh bàn tay cầm quả ứng là sự phục sinh. Bàn tay màu xám, ám chỉ sự chết, mọc ra từ mặt đất. Hình ảnh vết nứt, đàn kiến là biểu hiện của sự tàn lụi và thối rữa. Trên đó một quả trứng mọc ra cây thủy tiên (đại diện cho Narcissus). Quả trứng đại diện cho sự phục sinh và tái sinh. 




The Metamorphosis of Narcissus, Salvador Dali (1937)




Ngay phía nền, bên dưới ngọn núi là một lũ Narcissism, những kẻ tự ái kỉ. Người ta có thể kể ra, theo chính mô tả của Dali, những kẻ dị tính gồm

[2]Leon Battista Alberti
Catherine Puglisi citée par Gérard-Julien Salvy, Le Caravage, Gallimard, coll. « Folio », 2008 (ISBN 978-2-07-034131-3), p. 86.
[3] Varriano, John L. (2006). Caravaggio: the Art of Realism. Penn State Press. ISBN 978-0-271-02717-3. 
[7]d'Este, Sorita & Rankine, David, Hekate Liminal Rites, Avalonia, 2009.
[8] Lucia Impelluso, Dieux et heros de l'antiquite, Guide des arts, hazan, 2012. 
[9] Impression, Sunrise, xin chơi chữ.
Nguyên văn: « Vraiment il faut que je vous remercie d’avoir amené chez moi le visiteur d’hier. Car j’étais jusque-là enclin à considérer les surréalistes qui semblent m’avoir choisi pour saint patron, comme des fous absolus (disons à 95%, comme pour l’alcool) ».
nguyên văn: "le déplacement de la libido de l’individu vers son propre corps, vers le “moi” du sujet." 
Rosa Marelle gợi ý rằng tư thế này có thể bị ảnh hưởng bởi bức của Caravaggio,  

Đọc thêm ...

Sáng Tác: Chúc Xuân 2015

item-thumbnail


Cô đơn cõi lạ xa lẻ mộng,
Mấy nỗi trần gian cản giấc nồng,
Năm mới lùa thêm nhiều lạc lõng,
Để người đơn lẻ lại buồn trông.

Nhạc buồn quấn lấy giấc mùa đông,
Để kẻ cô đơn lại dối lòng,
Vờ ta hạnh phúc luôn tràn dại,
Xếp gối ngăn đi giọt lệ này.

Năm mới mong sao nhiều niềm hay,
Niềm cũ nhiều phen khốn đốn rồi,
Vết thương chuyện cũ đành khép lại,
Một giọt chồi non kịp phục hồi.


Đọc thêm ...

Dịch Thơ: Thoa Đầu Phượng của Đường Uyển

item-thumbnail

Chữ Hán:

釵頭鳳 

世情薄, 
人情惡, 
雨送黃昏花易落。 
曉風乾, 
淚痕殘。 
欲箋心事, 
獨語斜闌。 
難!難!難! 

人成各, 
今非昨, 
病魂常似鞦韆索。 
角聲寒, 
夜闌珊。 
怕人尋問, 
咽淚妝歡。 
瞞!瞞!瞞!


Phiên Âm:

Thoa Đầu Phượng

Thế tình bạc, 
Nhân tình ác, 
Vũ tống hoàng hôn hoa dị lạc. 
Hiểu phong càn, 
Lệ ngân tàn. 
Dục tiên tâm sự, 
Độc ngữ tà lan. 
Nan! Nan! Nan! 

Nhân thành các, 
Kim phi tạc, 
Bệnh hồn thường tự thu thiên tác. 
Giốc thanh hàn, 
Dạ lan san. 
Phạ nhân tầm vấn, 
Yết lệ trang hoan. 
Man! Man! Man!


Tự Dịch:

Tình đời bạc,
Tình người ác,
Mưa xua hoàng hôn hoa tan tác,
Gió thốc tràn,
Lệ giọt tàn,
Viết thư tâm sự,
Một chữ miên man,
Nan! Nan ! Nan!

Người đơn bạc,
Nay mai khác,
Tâm bệnh mỏng mảnh treo đợi thác,
Tiếng tù hàn,
Đêm lạnh mang,
Sợ người tra hỏi,
Nuốt lệ, điểm trang,
Man! Man! Man.

Cảnh Lục Du gặp Đường Uyển.
Thi Thoại:

Chuyện kể rằng: đời Tống, có người tên Lục Du lấy người em họ tên là Đường Uyển, vốn tâm đầu ý hợp. Thế nhưng thân mẫu của Lục Du lại không ưa Đường Uyển, thường nghe lời gièm pha nên buộc hai người phải ly hôn. Về sau, Lục Du lấy Vương Thị, Đường Uyển cũng tái giá, lấy Triệu Sĩ Trình. Mấy năm sau, vào mùa xuân, hai người tình cờ cùng đi chơi Thẩm Viên, ngẫu nhiên gặp nhau. Đường Uyển gửi rượu mời Lục Du. Lục Du thương cảm, vung bút đề lên bức tường trong Thẩm Viên một bài tống từ, đặt tên là Thoa Đầu Phượng. Đường Uyển sau khi đọc được bài này trong lòng rất đau khổ, làm một bài tống từ cũng theo điệu Thoa Đầu Phượng họa lại. Sau đó, nàng đau buồn, lâm trọng bệnh rồi qua đời. Lục Du hối hận mấy phen chết đi sống lại, thương nhớ không nguôi. Sau này, Đường Uyển trở thành đề tài xuyên suốt trong sáng tác của Lục Du. Cho đến lúc chết, Lục Du cũng không thể quên được người yêu ban đầu này. Câu chuyện trở thành tiêu biểu cho tình yêu chia cách đầy uất hận. Nhân gian về sau đánh giá câu chuyện này gọn trong ba chữ "Thiên Cổ Hận". Bài trích bên trên chính là bài Thoa Đầu Phượng mà Đường Uyển đã làm.

Bài này dịch lại đúng theo thể tống từ của bài gốc, giữ nguyên được số từ trong câu, giữ nguyên được vận, nhưng không giữ được trọn vẹn bằng trắc. Bài này vốn dĩ không quá khó dịch, vài câu có thể coi là dễ dàng. Tỉ như câu "Tình đời bạc, tình người ác", hoặc như câu "lệ thốc tràn, lệ giọt tàn", đều không mấy khó. Khó đầu tiên là ở câu "Độc ngữ tà lan". Nghĩa của câu này chính là một chữ cũng khó giải bài, ý đều vượt khỏi chữ mà không thể hạ được. Tà lan tức là xuyên xuống mà chệt ra ngoài, chữ không vào ý được. Cực kỳ khó dịch. Một vài bản dịch hạ "rặt ý lan man", tương đối tốt, nhưng chữ "lan man" về ý là tiêu cực, lan man tức là lạc đề, chứ không phải vì ý thoát khỏi chữ. Thành ra suy tính, hạ được bốn chữ "một chữ miên man", có thể coi là thành tựu.

Hai câu: "Nhân thành các, Kim phi tạc" lại càng khó dịch. Nghĩa gốc là người mỗi lúc một khác, hôm nay thì khác ngày xưa. Chữ "các" có hai cách hiểu: một là đơn lẻ, một mình; hai là riêng, mỗi một. Khó là vì đang ép vận "ác", mà trong tiếng việt, không có chữ nào có âm "ác" mà phù hợp cả.  Chỉ có chữ "khác" là hợp hơn cả. Nhưng mà hai câu đều cần âm "ác". Hễ hạ chữ "khác" ở câu trước thì câu sau thiếu, mà hạ ở câu sau thì câu trước thiếu. Lấy được chữ "đơn bạc", tạm được, nhưng không sát. Câu sau vốn dĩ dịch sát phải là "xưa nay khác", nhưng chữ "xưa nay" dễ tạo cảm giác ổn định (trong tiếng Việt, khi dùng từ "xưa nay" đều ám chỉ một điều gì đó bất di bất dịch, hiển nhiên), cho nên phải sửa thành "nay mai" để cho thấy sự biến chuyển lớn.

Điểm khó cuối cùng là ở câu "Bệnh hồn thường tự thu thiên tác". Nghĩa gốc vốn là bệnh trong tâm trí, giống như dây xích đu đung đưa qua lại, ý là rất yếu. Nhưng đưa vào thơ thì chẳng được. Bản dịch duy nhất hiện tại thì dịch nhầm từ "thu thiên" (nhầm thành "thiên thu") nên dịch thành "bệnh lòng như thể ngàn thu tạc". Nay dịch sửa lại, hạ được thành "Tâm bệnh mỏng mảnh treo đợi thác", vừa thoả được ý cái xích đu, vừa thoả được ý về cái suy yếu. Tiếc nỗi không đem được nguyên gốc chữ "xích đu" vào trong câu, bởi trong tiếng Việt không có ý niệm này. Tiếng Việt dùng ý niệm "ngàn cân treo sợi tóc" để diễn đạt thay. Cho nên câu dịch dùng chữ "treo đợi thác" chính là gợi lại ý diễn đạt này.

Lục Du yêu Đường Uyển, mà mẹ lại không ưa cùng, chính là "oán tăng hội". Yêu lại chẳng thể bên nhau như ý nguyện chính là "cầu bất đắc". Đã xa mấy lượt, lại ngẫu nhiên gặp nhau để rồi xa nhau mãi mãi, chính là "thụ biệt ly". Ôi cả ba cảnh đoạn trường cùng một hội, tạo nên cảnh thương tâm, chính là kiệt tác của ông trời đó vậy. Oán ai đây ? Nan ! Nan ! Nan ! 

Bút tích bài Thoa Đầu Phượng nghe đâu vẫn còn được lưu giữ ở Thẩm Viên.

Đọc thêm ...

Sáng Tác: Nhớ Người

item-thumbnail


Trăm năm có lẽ người quên hết,
Những mạng sầu tư đã vắng rồi,
Ngồi chờ mưa gió con tạo chuyển,
Đợi giấc đời buồn theo nắng trôi.

Ôi yêu người thế lại khổ người,
Chớm chút nhớ nhung tuổi đôi mươi,
Đã biết nào đâu con tạo ác,
Xui hợp, xui tan để ngồi cười.

Thở dài một tiếng để cho qua,
Chuyện xưa ắt hẳn để khi già,
Gặp nhau đôi kẻ đầu trăng bạc,
Ngồi kể nhau nghe chuyện rượu trà.

Một đêm trắng không ngủ luôn để lại 
một nỗi buồn miên mang vô độ.
Đọc thêm ...

Sáng Tác: Mắt Nhau

item-thumbnail

Mưa nắng say trong màu mắt biếc,
Nhớ người năm cũ ở phương nao,
Giọt nhớ khi xưa giờ chảy lại,
Mấy lần quệt mắt vẫn còn đau.

Đêm nằm nhớ cảnh chia ly cũ,
Tay trong tay nhau mắt lặng nhòa,
Thay nhau lau mắt trong tàn áo,
Tìm ánh mắt nào trong mắt nhau.

Thương nhau chẳng ở đặng cùng nhau,
Lại phải chia xa nơi chốn nào,
Bao giờ chẳng thế con tạo nhỉ,
Làm gì yêu nhau được bên nhau ?

Một trong những điều hạnh phúc của anh trên thế gian này 
là được nhìn thấy màu mắt của em khi khóc.

Đọc thêm ...

Sáng Tác: Phản Tỉnh 1 - Sợ Dơ

item-thumbnail


Chổi quết bụi luôn, không thản thốt,
Tay mới xêm bùn đã đòi lau,
Đạo cả còn không hẹp dòi vậy,
Mà kẻ vấn đạo sợ tanh tao.


Đọc thêm ...

Sáng Tác: Chaos

item-thumbnail


Sự đời gửi lại đôi hạt lệ,
Kinh sách bồi thêm nắm đất khô,
Nhọc lòng vun đắp kho minh triết,
Kẻ trí, người ngu cũng một mồ.


Đọc thêm ...

Sáng Tác: Chút Thơ Tiễn Khách

item-thumbnail



Này này ta bảo kẻ long nhong,
Thơ chẳng ra chi đã bằng lòng,
Chữ có bao nhiêu mà hùng hổ,
Cứ tưởng tao nhân mắt dã tròng !

Này này ta bảo kẻ huyênh hoang, 
Thơ chẳng nên câu tưởng lão làng, 
Chữ còn chưa thuộc điều bằng trắc, 
Cứ tưởng thi đàn khách vắng hoang ! 

Này này ta bảo kẻ hung hăng, 
Thơ chẳng đến non đã đòi trăng, 
Câu chửa đầy đầm mà đòi biển, 
Cứ tưởng thi hào chẳng hé răng ! 

Thơ phú câu văn đã chẳng xong, 
Lại còn la liếm thú chơi ngông, 
Thôi can một tiếng mà làm phúc, 
Chớ để chúng nhân phải nặng lòng !


Tiểu dẫn: hôm nay dạo lại một thi đàn cũ, phát hiện ra một bài từng làm ngày xửa ngày xưa. Đọc lại thấy bản thân đúng thật ít hung dữ, kể cũng buồn cười lắm lắm. Trích lại trọn vẹn trong này cho thiên hạ biết, mình cũng chả phải tay hiền hậu gì. Chuyện nó cũng không có gì nhiều, trong thi đàn nhiều lối ra vào, không phải bài nào cũng hợp con mắt, thành ra sinh chuyện cãi cọ. Mà mình thì khi còn trẻ ấy, cũng chua ngoa chả kém ai. Thấy việc không ưng con mắt, là lên tiếng ngay. Ngày xưa thì nóng vậy, giờ đã chán chê rồi, tính điềm hẳn ra, khẩu khí thơ ngày xưa, chắc bây giờ không làm lại được. 

Trích nguyên văn:

"Câu này hình như đá đểu mình bài thơ mình làm hôm trước trong topic của Sill be sea thì phải. Anh là anh chán cái topic "2 từ cuối" của chú lắm đấy, mỗi tác giả topic là làm thơ coi được, còn lại chẳng mấy bài coi ra hồn. Nhưng anh chẳng buồn vào topic đấy làm loạn, mất nhã hứng thi ca của chú. 

Nhưng mà chú phá phách topic đấy thì thôi đã đành, còn dám nhảy vô topic của still be sea phá nữa, nên a mới bực mình làm chút thơ. Tưởng là chú đọc thơ hiểu ý tứ, biết điều rút lui ra, còn không thì viết 1 bài nghiêm chỉnh họa lại. Ai ngờ chú còn nhớ tới bây giờ cục tức ấy. Thật khổ tâm cho chú ! 

Gửi chú chút thơ tiễn khách 

Này này ta bảo kẻ long nhong,
Thơ chẳng ra chi đã bằng lòng,
Chữ có bao nhiêu mà hùng hổ,
Cứ tưởng tao nhân mắt dã tròng !

Này này ta bảo kẻ huyênh hoang, 
Thơ chẳng nên câu tưởng lão làng, 
Chữ còn chưa thuộc điều bằng trắc, 
Cứ tưởng thi đàn khách vắng hoang ! 

Này này ta bảo kẻ hung hăng, 
Thơ chẳng đến non đã đòi trăng, 
Câu chửa đầy đầm mà đòi biển, 
Cứ tưởng thi hào chẳng hé răng ! 

Thơ phú câu văn đã chẳng xong, 
Lại còn la liếm thú chơi ngông, 
Thôi can một tiếng mà làm phúc, 
Chớ để chúng nhân phải nặng lòng !"

Đọc thêm ...

Sáng Tác: Người Quen Xa Lạ

item-thumbnail


Yêu thương chạy lạc nhầm người,
Cho mình chạy lạc giữa đời mênh mông.
Lỡ thương một kẻ trắng lòng,
Se sao cho đặng chỉ hồng mỏng manh.
Vờ quên cười nói lặn lành,
Mặc tim nát vỡ trăm mành tả tơi.
Một thương thoáng chốc tôi ơi,
Hai thương lùng lạnh của người mới quen...


"Cười lên cho hết giấc đời,
Khóc đi cho mưa trắng cả một trời xôn xao..." - Trích đoản cú của tôi



Đọc thêm ...
Older Posts
Home