Sáng Tác: Vịnh Nhánh Mai Lề Đường Sau Tết



Ấp ủ hương xuân giữa màng không,
Một nhành mai nhỏ dáng cong cong.
Đem về hơi ấm mong toàn dạ,
Xua đuổi gió đông quyết hết lòng.
Tết đến ngát hương nằm cạnh cửa,
Xuân đi phai sắc vứt bên sông.
Trách người vội nỡ lòng phai bạc,
Rỏ lệ đau thương nỗi sầu đông...

Tiểu dẫn: 

Tết đến, nhà nào cũng sắm sửa đồ đạc, mua mai về trưng tết, để nơi trang trọng trong nhà. Được chừng mươi hôm, cành khô, hoa héo, lại đem vứt ra sân. Qua tết đi đường thấy hai bên lộ, cành mai vứt đầy, song vẫn chưa xúc động gì. 

Bẵng đi mấy ngày, đem mai giả đi cất (nhà trước vẫn trưng mai giả cùng mai thật, sau năm 2005 thì không thấy mấy ai trưng mai giả nữa) , chợt nghĩ: "Mai giả ít hư hao, bền hơn mai thật, nhưng cái khí chất mùa xuân quả thật vơi đi ít nhiều...". Nhớ đến mấy hình ảnh ngày trước, chợt xót xa cho loài hoa yêu kiều này. Con người quả thật bội bạc với trần gian. Mà mai hoa cũng là đáng thương lắm vậy. 

Mượn lời cây mai làm bài vịnh. Ban đầu làm hai câu cuối trước, rồi lần lên trên, hai câu thực làm sau cùng. Hai câu cuối sửa đi sửa lại không biết bao nhiêu lần. Làm thơ cực lắm thay !

Hai câu cuối lấy tứ "Xuân Mai gặp Sầu Đông": mai là báo hiệu mùa xuân mà cuối cùng phải gặp cái sầu của mùa đông, thật đáng thương lắm. Ban đầu không định hạ chữ "Trách", song cuối cùng lại thấy chẳng sai. Cân nhắc chọn giữa từ "phai bạc" và "bội bạc", có lẽ bội bạc hơi nặng, con người chẳng qua là vô tâm thôi, nên hạ chữ "phai bạc" là đúng nhất. Xong lại đến cân nhắc chữ "Rỏ lệ" và "Nhỏ lệ", chợt nhớ đến hình ảnh cành hoa hồng khóc trong tác phẩm "Hoàng Tử Bé" của Antoine de Saint-Exupéry, nên hạ chữ "Rỏ lệ"  thì hợp hơn. Có câu kết:

"Trách người vội nỡ lòng phai bạc,
Rỏ lệ đau thương nỗi sầu đông..."
 
Lần đến hai câu luận, đáng lẽ tứ câu này phải là thực mới rõ, nhưng làm câu thực thì tứ chẳng xuôi, vì báo cho người đọc cái ý đau thương của hoa mai sớm quá, chẳng thoả mãn được. Suy nghĩ đắn đo mãi mới quyết đặt làm câu luận. Không dùng kết tứ Đề - Thực - Luận - Kết nữa mà dùng kết tứ Bán Thiên - Bán Địa (nửa trên nửa dưới). Không suy nghĩ nhiều về câu từ: hạ cặp "nằm cạnh cửa" và "vứt bên sông", hạ tiếp cặp "ngát hương" và "phai sắc". Cân nhắc giữa "phai sắc" và "nhạt sắc", chọn "phai sắc" là ổn. Có được câu thực:

"Tết đến ngát hương nằm cạnh cửa,
Xuân đi phai sắc vứt bên sông."

Nghĩ được vậy rồi thì dễ hơn, làm câu đề mở ý về sự xuất hiện của hoa mai, chỗ này hạ cái vận "không" thì ổn rồi, kẹt cái vận kế "cong", vận có âm "ong" và "ông" cũng không nhiều lắm. Kiểm lại vài từ: song, cong, mong, trông, ... hạ chữ "cong cong" là xong.

"Ấp ủ hương xuân giữa màng không,
Một nhành mai nhỏ dáng cong cong."

No comments

Post a Comment

Để lại bình luận :...

Home