Bình Luận: Luận về Thuận Nghịch Độc P1

Dẫn: Thơ Thất Ngôn Bát Cú dạng Thuận Nghịch Độc có lẽ là một trong những dạng khó nhất trong các phép chơi trong thể này. Nhân vừa rồi, bạn HuanYu có để một bài xướng dạng này, Micro có họa lại 2 bài nhưng đều bất thành văn lý. Làm một bài thuận nghịch độc đã khó, họa lại một bài thuận nghịch độc lại giữ nguyên bộ vận thi thì càng khó hơn. Một bài dạng này được nhiều người biết là bài cảnh xuân mà Micro trích ở đây:




Trích:
Cảnh Xuân


Ta mến cảnh xuân ánh sáng ngời
Thú vui thơ rượu chén đầy vơi
Hoa cài giậu trúc cành xuân biếc
Lá quyện hương xuân sắc thắm tươi
Qua lại khách chờ sông lặng sóng
Ngược xuôi thuyền đợi bến đông người
Xa ngân tiếng hát đàn trầm bổng
Tha thướt bóng ai mắt mỉm cười




Vì vậy viết bài nhỏ về dạng này để những bạn học chơi có điều kiện xem xét. Micro là một thợ thơ chứ không phải nhà thơ, nên cách viết cũng theo chiều hướng này. Mong bằng hữu thơ đừng chấp. Mạn phép.


Mục đích của bài này là xây dựng 2 bộ niêm luật bằng trắc cho dạng thơ này. Cũng như bàn về cách dựng câu trong họa thơ dạng này.


Dạng: thuận nghịch độc là thể thất ngôn bát cú mà trong đó có thể đọc ngược và xuôi theo 2 chiều để ra hai bài thơ khác nhau.
Bắt đầu xem xét nào về dạng đối của dạng này nào.


1. Về niêm: vì câu 1 niêm với câu 8, nên về niêm thì đảo lại vẫn bình thường.


2. Về Vận: vì đọc nghịch lại được nên chữ đầu các câu cũng phải hợp vận.
Nếu là bài vận bằng:
Chữ đầu các câu 1 3 5 7 8 phải hợp vận và là vận bằng. Do đó chữ đầu các câu 2 4 6 phải vận trắc.
Chữ cuối các câu 1 2 4 6 8 cũng phải hợp vận và là vận bằng nốt. Do đó chữ cuối các câu 3 5 7 cũng phải vận trắc.


Nếu là bài vận trắc thì suy luận tương tự


Ta có định dạng vận của bài vận bằng như sau:


A x x x x x B
O x x x x x B
A x x x x x O
O x x x x x B
A x x x x x O
O x x x x x B
A x x x x x O
A x x x x x B


A là một bộ vận bằng, B là một bộ vận bằng, O là vận trắc. Nếu theo luật bằng trắc chặt chẽ thì các chữ đầu câu 3, 4, 7 là thất luật trong bài thuận. Bài đảo thì thất luật ở chữ đầu câu 2, 5, 6. Muốn làm được bài dạng này buộc phải hi sinh thất luật ở các chữ đó.


3. Về thanh điệu:


Đây là phần khó nhất.


Lưu ý thứ nhất: Vì chữ thứ 2 câu đầu và chữ thứ 6 câu 8 (tức là chữ thứ 2 câu đầu của bài ngịch) cùng một vận, cho nên nếu bài thuận là bài bằng thì bài ngịch cũng là bài bằng.


Lưu ý thứ 2: vì trong thể này, chữ thứ 567 là cố định về thanh điệu, nên bài ngịch cũng cố định chữ thứ 123. Vậy một bài thuận nghịch độc chỉ có thể áp dụng luật nhất tam ngũ bất luận, nhị tứ lục phân minh, chứ không áp dụng luật chặc chẽ được. Vì vậy ta sẽ thất luật ở các chữ thứ 1 và 3 các câu. Điều hay nhất là vì thơ có 7 chữ là lẻ, nên khi đảo lại thì luật nhất tam ngũ, nhị tứ lục vẫn được áp dụng chính xác. Hên ghê !


Lưu ý thứ 3: Vì là nhịp chẵn trước lẻ sau, 2/2/3 hay 4/3 nên nếu đọc nghịch lại cũng phải chẳn trước lẻ sau. Vì thế nhip 3 lẻ theo chiều thuận phải thành nhịp chẳn 4 trong chiều nghịch. Tức là chữ thứ 4 trong câu phải hợp nghĩa và nhịp với chữ thứ 5 6 7 theo chiều thuận và chữ 1 2 3 theo chiều nghịch.


Chép 2 bài bằng ra theo 2 chiều rồi ráp lại. Ta có như sau:


+ Nếu là bài luật bằng:


B B T T T B B
T T B B T T B
T/B T B/T B B T T
B/T B T/B T T B B
B B T T B/T B T
T T B B T/B T B
T/B T B/T B B T T
B B T T T B B


Chỗ B/T nghĩa là theo thuận thì phải bằng, nhưng theo nghịch thì phải trắc mới đúng luật. Vì theo thuận thì các vi trí đầu không quan trong về luật bằng trắc bằng các vị trí cuối nên phá luật. Còn vị trí đầu của bài thuận mà trùng với vị trí cuối của bài nghịch thì phải giữ lại.


Vậy, luật bằng trắc cho bài bằng như sau:


Trích:
B B T T T B B
T T B B T T B
B T T B B T T
T B B T T B B
B B T T B B T
T T B B T T B
B T T B B T T
B B T T T B B
Trong đó, nếu theo luật chặc chẽ thì phá luật ở chữ đầu câu 3, 4; chữ 3 câu 3,4,7.


+ Nếu là bài luật trắc thì lý luận tương tự sẽ có kết quả như sau:


Trích:
B T T B T T B
T B B T T B B
B B T T B B T
T T B B T T B
B T T B B T T
T B B T T B B
B B T T B B T
B T T B T T B
Trong đó, nếu theo luật chặc chẽ thì phá luật ở chữ đầu câu 1,5,8; chữ 3 câu 1,2 5,6,8.


+ Tương tự với bài vận trắc luật bằng và vận trắc luật trắc.


4. Về họa: Vì dạng này nên có 2 dạng họa. Một là họa đồng bộ vận với bài xướng, hai là họa đồng bộ vận với bài nghịch của bài xướng.


Vài lời lạm bàn, sai sót mong chỉ giáo thêm.

No comments

Post a Comment

Để lại bình luận :...

Home