Dịch Thơ : Nam Hành Biệt Đệ của Vi Thừa Khánh



Hán Văn:

南行別弟

澹澹長江水﹐ 
悠悠遠客情﹐ 
落花相與恨﹐ 
到地一無聲。


Phiên Âm:

Nam hành biệt đệ

Đạm đạm Trường Giang thuỷ, 
Du du viễn khách tình. 
Lạc hoa tương dữ hận, 
Đáo địa nhất vô thanh.


Chủ Nhân dịch:

Lững lờ nước cuộn trường giang,
Hững hờ viễn khách xa mang khối tình.
Hoa rơi như cũng thất tình,
Nhẹ rơi xuống đất vô hình vô thanh.


Chủ Nhân Bình:


Bài này nhiều người dịch, mà chẳng mấy ai dịch hay vì có 2 bản dịch đắc địa của các cụ.

Một là cụ Trần Trọng Kim :

"Êm-đềm mặt nước Trường-giang, 
Khách xa luống những ngổn-ngang mốt tình. 
Hoa rơi dường cũng bất bình, 
Tả tơi xuống đất lặng thinh bùi ngùi. "

Bản dịch này hay ở chỗ dịch tốt câu 3, vốn là dễ lại hóa khó, hạ được chữ "bất bình" rất đắc địa. Câu 1 và 2 tưởng khó mà thành dễ. Tuy dịch hơi xa nguyên tác, nhưng có khí thơ vượng. Vì vậy mà thành tuyệt tác dịch.

Hai là cụ Nam Trân 

"Sông dài nước chảy lênh đênh; 
Dặm nghìn đất khách mối tình mênh mông. 
Hoa kia chia mối hận long, 
Lúc rơi tới đất, tuyệt không tiếng gì. "

Bản dịch này hay ở chỗ dịch tốt câu 4. Khéo che chữ vô thanh, nhưng dùng được chữ "tuyệt không" thành ra cái vô thanh của nguyên tác còn kém tinh tế hơn bản dịch. Bản dịch này chỉ sảy một chút ở câu 2. Chữ "tình" và "đênh" không thuận cho lắm, dù hợp luật.

Những bản dịch hiện nay, khi dịch bài này thường chú tâm dụng tài vào câu 3, 4 chứ ít khi để tâm ở câu 1, 2. Thành ra đa số đều vụn ở câu này. Ta cố gò dc 2 chữ Lững lờ và Hững hờ làm cho 2 câu này có lực hơn và tinh tế hơn các bài dịch khác. 

Câu 3 vốn dĩ rất thích chữ "bất bình" của cụ Trần Trọng Kim, ban đầu dã định dùng chữ ấy rồi, nhưng sau lại thôi, vì bóng cụ lớn quá, nuốt không trôi, thành ra chuyển thành "thất tình". Vì vậy khí thơ kém hơn hẳn: 2 chữ tình trùng ở câu 2, 3. Khí không thông, nhưng mượn được chữ "vô hình vô thanh" thì sự tinh tế tuy không bằng chữ "tuyệt không" của Nam Trân nhưng hơn của bản nguyên tác.

Một bản dịch khác của Phạm Bá Chiểu

"Nước Trường Giang lặng lặng 
Tình viễn khách bời bời 
Hoa rơi chung nỗi hận 
Tiếp đất không nên lời"

Bản dịch thú vị ở hai câu cuối. Có thể nói 2 câu này dịch hay không thua gì cụ Nam Trân. Dù dịch hơi khá xa nguyên tác. Nhưng câu 4 thì bản dịch thơ hơn nhiều so với bản gốc, tự nó cũng đã là bài thơ hay. Câu 1,2 gượng chữ bời bời và lặng lặng để tạo cảm giác mới cho bài thơ, nhưng xem ra không thành công.


Trích một bình phẩm của Rio Kiddo:

"Em lại nghĩ trong bản gốc cũng có chữ "nhất", về khí chất không thua bản dịch của cụ Nam Trân bao nhiêu. 

Bản dịch của hai cụ thì rõ là hay rồi, em cũng không biết nhận xét gì hơn. Chỉ tiếc là bài thơ Nam hành biệt đệ có thể chia thành hai phần, 2 câu đầu là "lưu thủy vô tình", 2 câu sau là "lạc hoa hữu ý", cho thấy sự trái ngược của cảnh vật và lòng người. Mà cả 2 bản dịch đều không thoát được ý này."

Ps: Điều này thì em đúng Rio Kiddo. =))



No comments

Post a Comment

Để lại bình luận :...

Home