The Innocent Eye Test của Mark Tansey |
Ý tưởng của trang này được xuất hiện khi tôi tham quan bảo tàng mỹ thuật Metropolitan ở New York.
Xin nói một chút về bảo tàng mỹ thuật Metropolitan hay còn gọi là bảo tàng Met ở New York. Đây là bảo tàng nghệ thuật lớn nhất ở Mỹ, một trong mười bảo tàng lớn nhất thế giới và cũng là một trong những bảo tàng quan trọng nhất trên thế giới về nghệ thuật. Đứng thứ hai thế giới về số lượng du khách tham quan chỉ sau bảo tàng Louvre của Pháp, bảo tàng Met đạt hơn 5 triệu lượt xem trong một năm.
Tôi không phải là một người nghiên cứu hội họa, và càng không phải họa sĩ (dù tôi cũng từng vẽ vời một đôi lần). Tôi chỉ là một người thích coi tranh và tác phẩm nghệ thuật, chịu bỏ tiền để xem và ngắm nhưng hiểu rất ít về nghệ thuật và hội họa. Phải nói như thế trước, để các bạn hiểu là tôi cũng rất đỗi bình thường như các bạn và không hề có ý định đưa ra những triết lý cao siêu về hội họa ở đây. Và tôi cũng khẳng định là tôi luôn hướng bài viết của mình cho những đọc giả giống như tôi, những người không chuyên về nghệ thuật.
Quay lại chuyến tham quan bảo tàng Met, với hầu hết các tác phẩm mà tôi không biết gì nhiều ngoài vài dòng chú thích sơ sài, tôi đặc biệt chú ý đến tác phẩm The Innocent Eye của Mark Tansey. Tôi đã đứng khá lâu để ngắm và có nhiều suy tưởng trong đầu.
The Innocent Eye là tác phẩm nổi tiếng nhất của Mark Tansey, một họa sĩ người Mỹ (sinh ở San Jose, California vào năm 1949). Bức tranh là hình ảnh một con bò đang xem tranh, bức tranh lớn trước mặt con bò là bức The Young Bull của Paulus Potter (vẽ năm 1647), xung quanh là các nhà bác học chăm chú quan sát con bò, muốn biết xem liệu con bò có hiểu được bức tranh đó và phân biệt được thật giả hay không ? Trong số sáu người có mặt trong tranh, nếu quan sát kỹ chỉ có năm người là nhà bác học với cặp mắt kính đặc trưng. Còn một người tay cầm cây lau sàn, có lẽ là một người lao công bình thường, có lẽ đang quan sát thí nghiệm.
Trong số hơn 5 triệu lượt xem bảo tàng Met, bao nhiêu người dừng lại ngắm bức tranh này, trong số những người ngắm đó, bao nhiêu người cảm nhận được ý nghĩa của nó, và trong số đó, bao nhiêu người có cùng suy tưởng như tôi ? Bỏ tiền đi xem nghệ thuật không giống như bỏ tiền mua một tô phở hay mua một ly trà. Một tô phở hay một ly trà hẳn nhiên là bạn thưởng thức một cách chân thực nhất, và dễ làm bạn thõa mãn với số tiền bỏ ra nhất. Nhưng một tác phẩm nghệ thuật thì khó hơn nhiều. Đôi lúc tôi cảm tưởng những tác phẩm ấy được làm ra để phục vụ ai đó chứ không phải tôi, và có khi tôi cũng thấy thật phí phạm khi đi xem những thứ không thuộc về mình. Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh ?
Tôi có cảm giác mình là con bò trong bức tranh, viện bảo tàng là bức tranh The Young Bull trước mặt con bò, và những người đàn ông xung quanh là những nhà nghiên cứu nghệ thuật ! Cảm giác đó thật khó tả và bức bối ! Tôi gọi cảm giác đó là cảm giác "bò xem tranh". Con bò có thể đã nhìn bức tranh một cách không giống với điều những người xung quanh bức tranh muốn, có thể nó đã không nhận ra được đâu là thật và giả bởi vì nó có lẽ chẳng biết gì về nghệ thuật.
Không, con bò đó đã bỏ tiền ra xem tranh, nó có cảm nghĩ riêng của chính nó, và cảm nghĩ của nó cần được tôn trọng, và có lẽ cần được tôn trọng hơn cảm nghĩ của những nhà nghiên cứu xung quanh vì nói cho cùng chính nó mới là điều mà nghệ thuật cần được phục vụ. Con người trong bức tranh không còn là chủ thể, con bò mới là chủ thể, bất kể nó có nhận ra được thật giả trong tranh hay hiểu được bức tranh hay không! Và tất nhiên, với tôi, chỉ có cảm nghĩ của con bò mới đáng được nói đến ở đây!
Trong số năm triệu cặp mắt lướt qua bức tranh này, có hơn bốn triệu rưỡi hơn là mắt bò. Trong bốn triệu rưỡi ấy, có một con bò đang viết lại những gì nó nghĩ lên đây. Tôi gọi đó là "Bò Xem Tranh" hay "Nghe Kẻ Dốt Nói Về Nghệ Thuật".
Comments
Post a Comment
Để lại bình luận :...