Giải Nhiếp ảnh Quốc tế HIPA 2012-2013 của Lê Duy Hoàng. Ảnh lấy nguồn từ www.hipa.ae
Mấy hôm nay, thiên hạ râm ran về giải ảnh của tác giả Lê Duy Hoàng ở HIPA 2012-2013 [*]. Cho dù khen chê thế nào cũng là niềm vinh dự cho người Việt trên thế giới, xin thảo vài dòng phân tích để cho bạn đọc rõ hay dở của bức ảnh qua con mắt của một kẻ không chuyên.
Nhìn chung ở hạng mục ảnh trắng đen, màu sắc giảm tải tối đa nên việc nhấn mạnh các khối ánh sáng là hết sức quang trọng. Trừ những ai theo hướng nghệ thuật tượng trưng thái quá của 4'33'' [**] có thể xem một bức tranh đen hoàn toàn hay trắng hoàn toàn cũng là nghệ thuật thì không bàn làm gì. Còn hầu hết chúng ta công nhận rằng, sự phối hợp mảng ánh sáng trong ảnh đen trắng là phần nghệ thuật được đưa lên hàng đầu. Và bố cục tấm ảnh phải được cân nhắc kỹ lưỡng khi phân tích.
Vấn đề chủ đề và nội dung, cho dù hay ho và cao siêu đến đâu, cũng phải thông qua các mảng ánh sáng này để biểu lộ, làm không tốt thì không thể lấy được một chút cảm xúc nào của người xem, đó là hiển nhiên.
Xét về bố cục, theo chiều ngang, các mảng được bố trí theo nguyên tắc tỉ lệ vàng khá rõ, sự cân xứng được thể hiện hài hòa. Có thể phân bố cục ngang thành ba mảng ghép: một là từ đường sóng trở lên trên, hai là từ mũi tàu trở xuống dưới, ba là khúc giữa của đường sóng và mũi tàu [xem hình 2]. Nó cho thấy chủ điểm của bức tranh ở ba khía cạnh: một là sự hung hãn của biển, hai là nỗ lực của con người, ba là khoảng cách hay sự tranh đấu giữa chúng.
Hình 2. Bố cục ngang ba mảng lớn theo tỉ lệ vàng. |
Mảng số một, tác giả đã ghi lại được khoảng khắc con sóng lên cao nhất, tạo một khối đen bên trong lòng sóng, nhưng một cái mồm của quái thú chực chờ ăn thịt con người. Sự đối lập màu sắc giữa mảng đen bên trong lòng sóng và mảng trắng ở rìa tô đậm ý tưởng này. Sự hung dữ của biển nói chung được diễn đạt tốt, mặc dù có lẽ hiệu ứng sẽ tốt hơn khi tác giả chọn một thời điểm biển động lớn, để có những con sóng cao hơn, tạo ra mảng tối đậm hơn, mạnh mẽ hơn [xem hình 3].
Hình 3. Mảng tối của cơn sóng dữ. |
Ở mảng số hai, gần như mà mảng phức tạp nhất, cũng là chủ thể bức hình. Cột sống con thuyền và cái gánh tạo thành một chữ thập, phân chia bố cục của mảng này thành 4 phần bằng nhau. Hình ảnh con thuyền trở thành tâm điểm của mảng bố cục này. Cả bốn phía là người, người kéo, người đẩy, mỗi người một tư thế, nhưng hành động được biểu lộ qua các cơ bắp cuồn cuộn được thể hiện rõ qua đường sáng tối của ảnh. Con mắt con thuyền, cho dù vô tình hay cố ý của người chụp, tạo nên nhiều cảm tưởng cho tấm hình. Con mắt cụp xuống, buồn rười rượi, một kiểu phó mặc số phận, chấp nhận sự tàn bạo của thiên nhiên, đối lập lại với hình ảnh cố sức của đoàn người [xem hình 4]. Không rõ tâm trạng đó là tâm trạng của con tàu, tâm trạng thật của đoàn người hay tâm trạng đối lập? Tâm trạng đó phải chăng là tâm trạng bên trong thật sự của đoàn người, khi mà họ dù có cố gắng cách mấy, cũng không thoát khỏi cái nghèo khó của cuộc sống thực tại. Con mắt đó không phải chỉ là con mắt của tâm trạng mà còn là con mắt của thượng đế, dõi theo bầy chiên khốn khó của mình mà sầu não. Phải chăng ?
Phân cách giữa hai mảng đối lập đó là một quãng trống, mảng thứ ba, đơn điệu và nhạt nhẽo. Sự bình lặng tạm thời giữa con sóng và đoàn người chỉ được tính bằng giây, à không, bằng một phần ngàn của giây. Đoàn người quay lưng lại với số phận, cố vượt lên, rời xa nó, nhưng nỗ lực của họ gần như muối bỏ bể. Họ tiến về trước, không buồn ngó lại phía sau, cũng có thể là không dám ngó lại phía sau. Phía sau ấy, nghiệt ngã quá!
Bước tiến của họ quá chậm so với bước tiến vũ bão của con sóng, cơn khốn khó, sự tàn bạo của cuộc sống. Cái gánh họ lại là con thuyền, hay tâm trạng của họ ? Con thuyền, hay số phận của họ ? Con thuyền hay thượng đế của họ ? Dù thế nào đi nữa, con thuyền ấy cũng chỉ có đôi mắt buồn.
Điểm trừ của bức ảnh là hình ảnh người chèo thuyền thúng đơn độc ở trên cùng bức ảnh, nó phá đi cái không khí khó nhọc của bức ảnh, cái đau xót của bức ảnh. Hình ảnh đó lạc lõng và không gắng liền được với tổng thể bức hình, thật đáng tiếc.
Nhiều người thấy sự lạc quan trong tấm ảnh này, và rằng con người trong bức ảnh đã nỗ lực để chống lại thiên nhiên, xây dựng cuộc sống ấm no cho họ. Còn tôi thấy sự bi quan trong tấm ảnh này, con người đó dù nỗ lực cách mấy, có phải cũng không thể vượt qua được số phận, vẫn phải lam lũ ngày ngày ra biển, đối mặt tử thần. Con mắt của con thuyền ấy chính là con mắt của thượng đế, xót thương cho loài người, nhưng ngoài nhìn ra, còn có thể làm gì được nữa, con mắt kia ơi ?
[*] Giải Nhiếp ảnh Quốc tế HIPA 2012-2013 có tên chính thức là ‘Hamdan International Photography Award’ với chủ đề "Beauty of Light". Được hoàng tử của Dubai bảo trợ, số tiền thưởng lên tới 248.000 bảng khiến cho HIPA trở thành giải nhiếp ảnh có giá trị giải thưởng lớn nhất trên thế giới.
[**] Tác phẩm 4'33'' của nhà soạn nhạc người Mỹ John Cage (1912–1992) với bốn phút và ba mươi ba giây không tiếng động. Tác phẩm đặt nặng tính biểu trưng hơn là một tác phẩm thưởng thức thật sự.
Comments
Post a Comment
Để lại bình luận :...