Skip to main content

Cực Thực, Cực Thật và Cực Thiệt

Nhân tháng mười này trên Reds.vn có đăng mấy tác phẩm Cực Thực của Ron Mueck [1] thành ra mới có hứng viết vài dòng cho bò đọc. Trước hết phải kể lai lịch nguồn cơn xuất xứ của cái Cực Thực (Hyperrealisme) này đã, rồi sau đó sẽ lê lết thêm vài cụ Cực Thực nổi tiếng rồi mới vào chủ đề chính được. Nhưng trước cái trước hết hồi nãy, ta phải chiêm ngưỡng vài tấm của Ron Mueck rồi tính.
Tác Phẩm "Hai Người Phụ Nữ" của Ron Mueck
Tác Phẩm "Hai Người Phụ Nữ" của Ron Mueck nhìn cận cảnh.
Tác Phẩm "Người Phụ Nữ Ôm Củi" của Ron Mueck.
Tác Phẩm "Người Phụ Nữ Ôm Củi" của Ron Mueck nhìn cận cảnh.
Cực thực (Hyperrealisme) xuất hiện như một hậu nhân của Photorealism, (không biết dịch là gì, dịch tạm là Thực Ảnh). Thực Ảnh là hình thức dùng máy ảnh chụp lấy thông tin cần vẽ, rồi sau đó vẽ hệt lại, một hình thức phô tô y chang từ ảnh chụp sang tranh. Tranh Thực Ảnh thì ra đời những năm 1960-1970 rồi được công nhận với thuật ngữ "Photorealism" đề xuất bởi Louis K. Meisel năm 1969. Năm 1970 thì được in catalogue của bảo tàng Whitney. Cực Thực xuất hiện muộn hơn vào những năm 2000 với phong cách thực hiện giống như Thực Ảnh theo định nghĩa những năm 2000 và có lẽ không còn đúng [2] vì giờ Cực Thực có thể bắt nguồn từ sự tưởng tượng định hướng chứ không còn nhất thiết dựa vào một tấm ảnh thực nào cả (ví dụ như trong điêu khắc), tấm ảnh chỉ mang tính tham khảo. Cực Thực giờ nên hiểu theo nghĩa mới là "thực đến từng chi tiết", tức là không cách nào bằng thị giác có thể phân biệt được giữa thực và giả nữa, cho đến lúc này là vậy, ý tôi là cực thực có thể tiếng xa hơn kiểu như giống hoàn toàn không chỉ thị giác mà có khi cả xúc giác, khứu giác, và mấy cái giác khác nữa cũng không phân biệt được. Tóm lại là làm cách nào thì làm, miễn người xem công nhận là rất thực, truyền tải được cái thực đó đến người xem, tức là thành công. 


Một trong những điểm mà Thực Ảnh khác Cực Thực là ở chỗ: ở Thực Ảnh, họa sĩ là nhà sao chép, sao chép lại cái hiện thực của tấm ảnh, không hơn, không kém, còn ở Cực Thực, họa sĩ không sao chép, họ chỉ mượn tấm ảnh như một cuốn sổ tay và tác phẩm Cực Thực độc lập nhất định với cuốn sổ tay đó, nó dồi dào cảm xúc hơn, chú trọng cảm xúc hơn, với cách thể hiện có phần cường điệu hóa, phô trương hóa, chi tiết hoá một cách thái quá. Kết cấu, bề mặt , hiệu ứng ánh sáng và bóng tối xuất hiện rõ ràng hơn và nhiều hơn, đậm đặc hơn, thậm chí khác biệt hơn so với hình ảnh tài liệu gốc [3]. Thực Ảnh cần một tấm ảnh đẹp để có một bức tranh đẹp, còn Cực Thực thì không. Thực Ảnh chỉ gói gọn trong hội họa, Cực Thực đã có trong điêu khắc. Một bước tiến rõ rệt.

Nếu Thực Ảnh đã có nhiều tác phẩm có độ rộng không gian cao, mang tính miêu tả những cảnh sinh hoạt thường nhật với một biên độ thị trường (trường quan sát của mắt) rộng, thì Cực Thực chú tâm mô tả sự chi tiết hóa với đa số các tranh chỉ là một mảng nhỏ của sự vật, một mảnh của hình ảnh, nhưng với sự cường điệu hóa cao độ về sự đối lập màu và tần mức ánh sáng. Cực thực đặt biệt ưa thích nước, thủy tinh, gương, các loại bề mặt khác nhau và bóng sáng trên da. Cực thực là trò chơi của ánh sáng.


Tác Phẩm  "Onderwater Schilderwerken" của Sarah Harvey với sự mô tả nước. Mô tả nước là một trong những thế mạnh của Cực Thực, rất thường hay gặp chủ đề này.
Tương tự nước, thủy tinh cũng là một chủ đề được ưa thích nhờ đặc tính xuyên thấu của đối tượng. Tác phẩm của Going Ralph. 
Sự phản chiếu của kính đặc biệt được ưa thích nhờ đặc tính phản chiếu đối tượng ở tác phẩm của Richard Estes .
Người ta có nhiều cách phân chia về trường phái Cực Thực, tôi thì thích phân chia theo cách họa sĩ thể hiện tác phẩm thông qua các yếu tố về hiệu ứng trong cực thực và kỹ thuật phản chiếu trên các bề mặt. Đại loại có thể chia thế này:

Nhóm các nhà Cực Thực cổ điển đi từ Thực Ảnh, phần nhiều vẫn sử dụng phương pháp lấy tranh đổi ảnh. Thông thường họa sĩ thể hiện giống hệt bức ảnh, thiếu sự cường điệu và đôi khi không tạo được sự ngạc nhiên hay phấn khích cho người xem. Thật khó phân biệt giữa Cực Thực và Thực Ảnh, khi hầu hết các họa sĩ Thực Ảnh Mỹ Quốc tiếp tục xem tranh của họ là trường phái Thực Ảnh dù nó đã đủ điều kiện để trở thành Cực Thực. Trong quan niệm của họ, Cực Thực và Thực Ảnh không khác gì nhau, dù hầu hết các nhà bình luận đồng ý rằng nó có không ít sự khác biệt. Các họa sĩ châu  Âu lại thích sử dụng từ Cực Thực hơn Thực Ảnh trong hầu hết các ngữ cảnh, mặc dù một vài trong số các họa sĩ này chưa đủ độ phô trương của Cực Thực. Vì vậy, trong ngữ cảnh này, khi tôi sử dụng từ Cực Thực cho ai đó hay tranh của ai đó, tôi gợi ý rằng bức tranh hay họa sĩ đó đã có cái nhìn của Cực Thực. Sau thời kỳ Thực Ảnh, các nghệ sĩ sau đây được xếp vào nhóm Cực Thực với sự biến hóa khác nhau mà tôi gọi là đặc trưng. Những tấm ảnh được chọn giới thiệu ở đây không nhất thiết được vẽ vào những năm 2000 (cùng với sự ra đời của Cực Thực) mà có thể sớm hơn ở các bức tranh được coi là Thực Ảnh (những năm 80, thậm chí 70), nhưng đã có sự đột phá theo hướng Cực Thực. Mặc dù vậy, ta vẫn thấy rõ cường độ phô trương của Cực Thực hiện đại mạnh mẽ hơn rất nhiều so với các bức Thực Ảnh mang dáng dấp Cực Thực.  

Đặc trưng Anthony Brunelli với độ rộng của thị trường bị giãn đến mức cao nhất, sử dụng ảnh kỹ thuật số là chủ yếu mà đặc biệt là ảnh panorama, Anthony làm chúng ta choáng trước sự chi tiết của bức tranh. Một điểm đáng chú ý nhất với tôi là kỹ thuật vẽ mây của ông, vô cùng chân thực. Một số tác phẩm tiêu biểu là "Paradeplatz" và "Arno at Dusk", tôi cố tình chọn hai tấm này để thể hiện sự xuất sắc của ông trong việc mô tả độ rộng của thị trường và cả hai hình thái của mây. Điểm 10 (10 chứ không phải mười) cho mây và độ rộng của thị trường.


Tác phẩm "Paradeplatz" của Anthony Brunelli
Tác Phẩm "Arno at Dusk" của Anthony Brunelli
Đặc trưng Kacere John (đã chết) và người kế nhiệm Paul Roberts (còn sống) với chủ thể đường nét cơ thể của phụ nữ và đàn ông (dù ít hơn nhưng có còn hơn không). Điểm nổi bật nhất là sự mô tả đường cong của cơ thể với bóng sáng tuyệt đối chính xác tạo được sự phấn khích ở người xem. Các đường cong cùng sự thay đổi ánh sáng theo đường cong đó được cường điệu hóa với sự đối lập cao về màu. Một phong cách rất phóng đãng với hầu hết tranh về khỏa thân hay đồ lót của John. Dù ông được xếp vào nhóm Thực Ảnh, nhưng cách chọn đề tài và sự tinh tế trong việc chọn đề tài khiến tôi xếp ông vào nửa Cục Thực. Tôi chọn ra hai tác phẩm tiêu biểu với độ cong của mông thích hợp nhất: "Louisa" và một tác phẩm không tên. Paul Roberts trẻ hơn, hoàn toàn thuộc về trường phái Cực Thực cũng đạt sự xuất thần trong việc mô tả đường cong và cũng thích thể hiện các mô tả phụ nữ, dù ít phóng đãng hơn John. Tôi chọn ra hai tác phẩm cho thấy sự tài hoa trong việc diễn tả ánh sáng trong đường cong về chủ thể phụ nữ. So sánh tranh của John và Roberts, ta thấy được sự cường điệu siêu việt của Cực Thực ở Roberts so với Thực Ảnh của John. Điểm 10 cho đường cong và đường nét cơ thể.

Tác Phẩm "Louissa" của Kacere John
Một tác phẩm không tên của Kacere John. 
"The Red Suit" của Paul Roberts
"The Bodyguard" của Paul Roberts
Tác Phẩm "4.35" của Paul Roberts
Đặc trưng Richard Estes, bậc thầy về gương và phản chiếu và các họa sĩ trong phong cách này như Tom Backwell. Ông vốn xuất từ người sáng lập của Thực Ảnh và nhanh chóng tự cách tân trở thành Cực Thực. Cách vẽ ảnh phản chiếu của ông đạt đến độ hoàn mỹ, trung thực cùng cách cường điệu về độ tương phản đưa ông lên hàng ngũ đại gia trong trường phái này. Gương và kính hay các vật phản quang là những chi tiết thường gặp nhất trong tranh của ông. Tuyệt vời khi vẽ về phản chiếu, ông lại không đạt sự xuất thần đó khi vẽ các đường cong, đặc biệt là nếp vải. Sự xuất thần trong "Escape into Life", "Telephone Booth" và "Times Square" đã không thể hiện tốt ở "42nd Street Crosstown Bus" khi nhìn cách thể hiện áo và nếp gấp của người đàn ông đang ngồi. Giá khúc ấy mà do Paul Roberts vẽ thì tuyệt. Điểm 10 cho kính và phản chiếu.
"Escape into Life"  của Richard Estes cho thấy sự tinh tế của ông trong việc mô tả phản chiếu của kính.
"Telephone Booths" của Richard Estes là tác phẩm đỉnh cao với phong thái Cực Thực rõ rệt, dù ông vẫn xem đây là tác phẩn Thực Ảnh.
Tác Phẩm "42nd Street Crosstown Bus" củaRichard Estes với hình ảnh người đàn ông cùng nếp gấp áo quần cho thấy sự non tay trong cách xử lý của ông so với Paul Roberts
Tác Phẩm "Times Square" của Richard Estes có thể coi là tác phẩm Cực Thực tiêu biểu trong mảng đề tài kính và phản chiếu.
Đặc trưng Alyssa Monks và Sarah Harvey với nước và hiệu ứng nước. Nước là một trong những vật chất có tính phản chiếu cao, vì vậy được Cực Thực tận dụng hết mình. Tuy nhiên, dường như yếu tố phụ nữ đánh vai trò quan trọng trong việc mô tả thành công của nước. Nước có hiệu ứng phản chiếu và hiệu ứng trong suốt rất riêng biệt mà không phải ai cũng nắm bắt được. Hai nữ hoạ sĩ Alyssa và Sarah đã chuyển tải được thành công hiệu ứng đó. Nếu Alyssa chú trọng việc đặc tả nước ở dạng trong suốt với hiệu ứng trên làn da của người với sự tinh tế cao độ thì ở Sarah, sự tinh tế đó nằm ở việc mô tả thành công làn nước với hiệu ứng sóng và chuyển động của nước. Alyssa thường thể hiện màu nước trong suốt còn Sarah thể hiện một màu nước đa dạng (nhất là màu xanh biển). Gần đây, Alyssa bắt đầu thể hiện hơi nước như một khám phá mới của Cực Thực. Tôi chọn ra mỗi người hai tấm thể hiện rõ nhất thế mạnh của từng nữ hoạ sĩ. Có thể kể thêm Gregory Thielker với sự mô tả tinh tế của mưa tương tác với kính, Marilyn Minter với các tác phẩm về các hạt nước và Eric Zener cùng chủ đề với Harvey, nhưng kém đặc sắc hơn. Điểm 10 cho nước.


"Smirk" của Alyssa Monks với các hạt nước mưa y hệt như thật.
"Squeeze" của Alyssa Monks với làn nước chảy nhẹ trên da.
"Cubist Waters" của Sarah Harvey với hình ảnh chuyển động của nước thật sống động.
Tác Phẩm "Handstand 2" của Sarah Harvey
"Complete Stop" của Gregory Thielker. Cái nhoè nước khi tạt vào kính xe được mô tả chân thực và hết sức đáng chú ý.
"The Answer" của Eric Zener thành công khi mô tả nước và làn nước, nhưng non tay hơn ở sự mô tả tương tác giữa nước và màu da.

"Last Splash" của Marilyn Minter. Các mô tả các hạt nước bắn lên một cách hỗn loạn trong cơn mưa thật xuất sắc.
Đặc trưng Chuck Close với chân dung và câu chuyện tóc với râu. Với việc đặc tả chân dung, ông đã tìm thấy cảm hứng riêng cho việc vẽ tỉ mỉ tóc và râu, một kiểu phô trương hết sức hấp dẫn. Tác phẩm của ông giống như một kính lúp khiến người ta không thể không ngạc nhiên. Nhưng hiện tại ông theo đuổi một trường phái hoàn toàn khác, bằng cách vẽ từng điểm pixel của bức tranh. Tôi không biết phải gọi nó là gì, một kiểu Cực Thực "Mozaic". Chúng ta có thể kể đến khá nhiều họa sĩ mang đặc trưng này như Samuel Silva, Paul Cadden, Simon Hennessey. Samuel Silva dùng bút bi màu để chấm từng pixel cho trang, đặc trưng tương tự như Chuck, sự chi tiết của tóc và lông trong tranh Silva là một điểm nổi bật nhất. Paul Cadden sử dụng bút chì tập trung vẽ trên tranh trắng đen và chân dung khuôn mặt, phác họa được hầu hết các sắc thái tình cảm với độ chân thực cao. Cadden đặc biệt thành công khi "cường điệu sự bình thường"[4]. Simon Hennessey, vẫn còn khá trẻ, thường vẽ khuôn mặt kết hợp với kính để dùng hiệu ứng phản chiếu. Điểm 10 cho tóc và râu.


Tác giả chụp trước tác phẩm kinh điển "Mark" của Chuck Close tại bảo tàng Metropolitan ở New York, Mỹ.

"Redhead Girl" của Samuel Silva vẽ bằng đầu bút bi với sự chi tiết vô cùng độc đáo ở tóc.
"Petit" của Simon Hennessey với sự chi tiết đặc tả ở râu.
"NVA4" của Paul Cadden với sự tinh tế của màu chì, đặc biệt trong việc lột tả đường nét nếp nhăn cũng người già.
Đặc trưng Audrey Flack và Charles Bell với đa sắc. Sự khám phá về màu sắc ở Flack và Bell cho phép đưa tên hai hoạ sĩ vào trường phái Cực Thực, dù họ xuất thân từ Thực Ảnh. Audrey Flack vẫn được coi là hoạ sĩ Thực Ảnh, tuy nhiên một vài tranh của ông đã mang dáng dấp của cực thực với sự phối màu dầy và phô trương, dù cuối cùng ông từ bỏ Thực Ảnh để theo đuổi những ước mơ khác, nếu không, có lẽ giờ này ông đã là một nghệ sĩ Cực Thực chính hiệu. Tôi chọn ra hai tranh của ông: một mang dáng dấp rõ của Thực Ảnh với tông màu phối rất sặc sỡ nhưng lại thiếu cường điệu ở "Crayola", với một tranh mang rõ xu hướng Cực Thực với sự cường điệu và hấp dẫn cao ở "Chanel". Khác với Audrey, Charles Bell chuyển hẳn từ Thực Ảnh sang Cực Thực với sự hấp dẫn tuyệt đối của màu sắc. Cũng xuất phát từ Thực Ảnh như ở tác phẩm "Gumball II", ông đã chuyển hẳn sang Cực Thực với sự cường điệu màu sắc vô cùng mạnh mẽ ở "Cat's Eyes & Best of 'Em" trong vòng 20 năm (1983 đến 1993). Tôi cố tình chọn hai tác phẩm này vì hai lẽ: một là để chẵn số 20 năm sáng tác, hai là cùng mô típ thể hiện hình cầu và cũng cùng màu sắc rực rỡ. Nó cho thấy sự biến chuyển đáng ngạc nhiên của Bell. Một số hoạ sĩ khác thuộc đặc trưng này như Glennray Tutor, Sarah Graham. Glennray Tutor là lão làng của Thực Ảnh nhưng chỉ số ít tác phẩm đạt đến sự phô trương của Cực Thực, nhưng vẫn rất kém rực rỡ so với các tác phẩm Cực Thực hiện tại, tôi giới thiệu tác phẩm "Going To Heaven" của ông. Sarah Graham là nữ hoạ sĩ trẻ tuổi và có những tác phẩm rất đáng chú ý với sự phô trương đỉnh cao của Cực Thực. Sarah quả thật là một cái tên đáng chú ý, tuy nhiên đề tài của cô thường bị bó hẹp trong kẹo, kẹo và nhiều loại kẹo. Điểm 10 cho sự đa sắc.
"Crayola" của Audrey Flack, tuy đã mang ít nhiều phong cách của Cực Thực, nhưng sự cường điệu vẫn còn yếu nên chưa đủ để tạo thành một tác phẩm Cực Thực rõ rệt.
Tác phẩm "Chanel" của Audrey Flack, cũng với tông màu sặc sỡ vốn có, nhưng với sự cường điệu cao tạo nên phong cách Cực Thực rất rõ rệt.
"Gumball II" của Charles Bell vẫn rất màu mè và thực, nhưng thiếu đi sự cường điệu cần thiết để trở nên một tác phẩm Cực Thực.
Tác phẩm "Cat's Eyes & Best of 'Em" của Charles Bell với cách phối màu cường điệu mạnh mẽ, sự tương phản chân thực và rõ nét, khác hẳn so với thời kỳ của tranh "Gumball II".
"Going to Heaven" của Glennray Tutor. Dù đã tương đối cường điệu về màu sắc, nó vẫn chưa đạt đến độ phô trương của Cực Thực. Dù vậy, kỹ thuật vẽ của Tutor rõ ràng là rất đỉnh, hãy xem màu bị dạ lên cổ chai được vẽ xuất sắc như thế nào.
"Candy Swirl" của Sarah Graham. Sự rực rõ và phô trương đa sắc là điểm mạnh trong con mắt của Sarah.
Đặc trưng Denis Peterson với đề tài hiện thực xã hội. Mục tiêu của Denis Peterson khá rõ: đó là phê phán xã hội. Một bức tranh phê phán xã hội thông qua một cái giả lại cái hiện thực ấy là một cách thức không hề tồi. Ông cho thấy một xã hội giả tạo đến vô cực, một sự hòa nhoáng điên rồ thiếu tình người. Ông có vừa đủ sự tinh tế và tài năng để diễn tả con người và đồ vật. Không đến mức đẹp tuyệt đối về da người như Roberts, không khắc họa chi tiết đến kinh người như Chuck Close, không có độ rộng về thị trường như Anthony Brunelli, cũng không có hiệu ứng đặc sắc về nước như Monks và Harvey, về kính và tương phản như Estes, về thủy tinh và độ trong như Goings ... nhưng tổng hòa lại, mỗi thứ một ít để biểu đạt được cảm xúc trong tác phẩm thì ông lại có. Điểm khác biệt duy nhất khiến ông khác biệt với các nghệ sĩ Thực Ảnh là sự bố cục màu và ánh sáng khiến cho tác phẩm của ông đầy cảm xúc. Người nghệ sĩ này đã chọn việc dùng nghệ thuật như là một nỗ lực nhân đạo để thay đổi thế giới, Brenda Blackmon đã nói như thế trên WORTV [5]. Tôi đề xuất hai bức tranh của ông, một là bức "Vortex of Despair" và hai là bức "Apocalypse". Bức "Votex of Despair" có hai điểm phức tạp. Một là sự phức tạp trong việc thể hiện ở nhiều loại bề mặt khác nhau trong cùng một bức tranh: mặt báo, thủy tinh, bề mặt nhôm , bề mặt hộp nhựa, bề mặt đá cẩm thạch , bề mặt đá granit, bề mặt vải, bề mặt kim loại ... Thứ hai là có quá nhiều đối tượng cần xử lý và việc cân bằng nồng độ của sự cường điệu các chi tiết đáng chú ý là một đòi hỏi khó khăn mà không phải nghệ sĩ nào cũng nắm bắt được. Về mặt ý tưởng, bức tranh khắc họa sự đối lập đáng ngạc nhiên, giữa hình ảnh nghèo khó, thô thiển, khô khan trên nền cẩm thạch thô cứng với đầy sự phức tạp xung quanh như giấy,  chai nhựa, báo ,... và một bên là hình ảnh cô gái sang trọng, bao trong tấm kính với ảnh phản chiếu về một phố xá xa hoa và lộng lẫy. Bức tường một mặt đẩy người nghèo ra ngoài đường, phô trần sự thô cứng và xấu xí của đá hoa cương, một mặt kia bảo vệ lấy người giàu, trang sức cho họ cảnh phù hoa của phố Wall. Bức "Apocalypse" xin để người đọc tự nhận xét. Một họa sĩ khác cũng có cách chọn đề tài tương tự là Robert Bechtle. Điểm 10 cho ý tưởng.

"Votex of Despair" của Denis Peterson
"Apocalypse" của Denis Peterson
Đặc trưng Robin Elay với các trò chơi bề mặt và ni lông. Là một họa sĩ trẻ, Robin chơi nhiều trò chơi với bề mặt khác nhau rất đa dạng: giấy, nhôm, ... và ni lông. Nhưng đặc tả ni-lông mới là thế mạnh của anh. Việc mô tả ánh sáng của ni-lông cần một kinh nghiệm khác với xử lý với độ mềm của nước hay sự phản chiếu của kính hay sự trong suốt của thủy tinh. Nó cần cả ba thứ ấy hòa hợp lại. Robin không phải là họa sĩ duy nhất đưa ni-lông vào tác phẩm, nhưng là nghệ sĩ duy nhất đưa một bề mặt ni-lông (và các loại bề mặt khác) với diện tích đủ lớn để thể hiện hết sự phô trương trong đường nét. Một sự thử sức đáng chú ý. Xin đưa ra hai tác phẩm tiêu biểu là "Dissonance" và "Hypostasis 3". Điểm 10 cho bề mặt ni-lông.

"Dissonance" của Robin Eley
"The Nautilus Series – Hypostasis 3" của Robin Eley
Đặc trưng Don Eddy với sự phức tạp của đối tượng. Don Eddy là một nghệ sĩ Thực Ảnh. Nhưng với hướng đi lựa chọn các đối tượng thể hiện phức tạp và rối rắm, ông lại đạt được sự phô trương của Cực Thực. Không giống bất kỳ ai khác trong trường phái Cực Thực, như Chuck chọn sự chi tiết của tóc và râu, Brunelli chọn sự chi tiết trong cảnh quang thì Eddy chọn sự chi tiết trong các đối tượng vô cùng phức tạp với các hình họa đan xen, trùng chéo nhau để thể hiện. Và sự rối rắm đó đã thành công trong việc khiến cho người xem choáng ngợp trước tranh của ông. Điểm 10 cho sự rối rắm.

"Glassware I" của Don Eddy với sự phức tạp trong tủ ly, được phô trương cực đại thông qua sự trong suốt của kính. Có thể coi đây là tác phẩm ấn tượng nhất của ông ở đặc trưng này.
"A Bright and Darkened Place" của Don Eddy với sự rối rắm của lá cây chồng chéo lên nhau.
Đặc trưng Ralph Goings với tranh tĩnh vật. Đây là đặc trưng được hàng loạt họa sĩ Cực Thực theo đuổi với danh sách rất dài bao gồm nhiều cái tên nổi bật như Robert Bernardi, Doug Bloodworth, Jason de Graaf, Pedro Campos... Đặc trưng của nhóm này là đề tài tĩnh vật nói chung được vẽ vô cùng tinh xảo với sự phóng đại và cường điệu mạnh mẽ. Các đồ vật được vẽ với sự phóng to hàng chục lần, tập trung đặc tả các món vật có tính phản chiếu hay trong suốt, hoặc thậm chí một bóng ánh sáng cũng được thể hiện một cách phô trương. Ralph Goings có thể coi như người đi đầu trong đặc trưng này. Vốn là một họa sĩ Thực Ảnh, ông nhanh chóng nắm bắt được cách thể hiện phô trương để trở thành một họa sĩ Cực Thực. Ông đặc biệt tài hoa trong việc thể hiện sự chân thực và tinh xảo cao độ, nhất là với các vật dụng gia đình hay trên bàn ăn, dù vậy, ông không có sự phô trương ở màu sắc, một kỹ thuật khiến cho tác phẩm dễ dàng đạt được trạng thái phấn khích của Cực Thực. Họa sĩ Robert Bernardi là một cái tên đáng giá trong đặc trưng này. Ông chơi tốt với các hiệu ứng phản chiếu, trong suốt và cả bóng trên các loại giấy với sự tinh tế không kém Goings, Bernardi lại thể hiện rất tốt sự khoa trương của màu sắc, điều mà Goings không làm, hoặc không làm được. Tôi đặc biệt thích tranh của anh. Tương tự Bernardi, Jason de Graaf và Pedro Campos là hai cái tên cần được nói đến với sự xuất sắc của Cực Thực. Có quá nhiều tranh của bộ ba này làm tôi thõa mãn, nhưng sự bó hẹp đề tài khiến cho việc chọn ra một tác phẩm xuất sắc để đưa vào đây trở thành công việc khó khăn. Doug Bloodworth gần với Thực Ảnh hơn Cực Thực, nhưng sự đột phá về màu khiến ông có chân trong Cực Thực. Dù vậy, không phải tác phẩm nào của ông cũng mang dáng dấp của Cực Thực một cách rõ nét. Tranh của Bloodworth khá đặc trưng với sự hiện hữu nhất thiết của một trang truyện tranh, kẹo và đồ ăn. Tôi đôi lúc hơi phân vân khi đưa ông vào nhóm đặc trưng này thay vì đặc trưng đa sắc. Khi coi tranh của nhóm đặc trưng này, nhớ thử so sánh với tranh của Robert Cottinghan, một họa sĩ Thực Ảnh tài hoa với cùng chung đề tài tĩnh vật để thấy sự phô trương ảnh hưởng đến người xem thế nào. 
"Donut" của Ralph Goings. Hãy xem sự tinh tế khi ông mô tả các loại bề mặt: bánh, thủy tinh, gốm, giấy, kim loại ...
"Two Shakers Close-up" của Ralph Goings. Tác phẩm đặc biệt thành công khi thể hiện hiệu ứng trong suốt của kính và phản quang của inox. 
 "Fuori O Dentro" của Robert Bernardi. Ngoài sự tinh tế trong việc mô tả bóng sáng trên các bề mặt đa dạng, ta còn thấy ít nhiều sự phức tạp của vật thể được chọn gần với Don Eddy.
"Candy Machine" của Robert Bernardi. Sự cường điệu về màu và độ chân thực của tranh khiến cho anh được xếp vào hàng Cực Thực một cách rõ nét.
"A Binary Set" của Jason de Graaf. Hãy so sánh với bức "Two Shakers Close-up" của Ralph Goings để thấy sự tinh tế của Goings khi bố trí mảng sáng so với Graaf, nhưng cũng cần thấy các xử lý về màu của Graaf phô trương hơn Goings.
"You Can Only Own A Piece Of It" của Jason de Graaf với sự tinh tế khi thể hiện chất liệu thủy tinh.
Một tác phẩm không tên của Pedro Campos. Không quá phức tạp trong việc mô tả phản chiếu, nhưng sự cường điệu màu đỏ khiến ta cảm nhận được cái cực thực ở bức tranh.
Một tác phẩm không tên khác của Pedro Campos (các tác phẩm của ông thường không tên). Nên so sánh với "Gumball II" của Charles Bell và "Going to Heaven" của Glennray Tutor để thấy phong thái cực thực được thể hiện tốt như thế nào ở Campos.
Một tác phẩm không tên của Doug Bloodworth với mô típ đặc trưng: truyện tranh và đồ ăn.
"Candy" của Doug Bloodworth với sự tinh tế của màu sắc và bóng phản chiếu. So sánh với "Candy Swirl" của Sarah Graham thì ông có phần kém về độ phô trương nhưng không thua xa với các đại gia đa sắc khác như "Candy Machine" của Robert Bernardi hay của Pedro Campos về độ tinh tế.
Cực Thực trong điêu khắc tập trung ở vài trường phái cơ bản: Một là kiểu đặc tả da của Evan Penny, Marc Sijan, đặc tả nước Carole Feuerman, đặc tả râu và tóc của Jamie Salmon, biếm họa của Maurizio Cattelan, màu sắc siêu thực của Patricia Piccinini và Ron Mueck.

Hầu hết các nhà điêu khắc trong Cực Thực trú trọng mô tả da, nhưng với đặc trưng đặc tả da, các nhà điêu khắc trong nhóm này có xu hướng sử dụng da như một biện pháp cường điệu sự chân thực. Evan Penny có xu hướng bán thân hay chân dung nhưng với sự phóng to kinh hoàng,  Marc Sijan mô tả toàn thân với kích thước tương đương, một kiểu Madame Tussauds [6]. Nhìn chung, các tác phẩm có "mặc đồ" của Sijan không nổi bật bằng các tác phẩm "thiếu vải". Hãy xem các tác phẩm:



"Self Stretch #2, Variation of 4" của Evan Penny. Evan Penny thường làm người ta choáng khi chỉ mô tả một phần của cơ thể với sự to lớn phi thường mà còn thường làm chỉ một nửa của tượng. Chỉ có duy nhất mặt này của tượng là điêu khắc, mặt sau chẳng có gì cả: tượng chỉ là nửa người bị cưa đôi ngay mặt.
"L. Faux: CMYK" của Evan Penny. Ở đây ông dùng điêu khắc để mô tả lại một hiệu ứng chỉ có trong nhiếp ảnh hoặc in ấn, khi bốn màu cơ bản của bản màu CMYK dùng trong in ấn bị in lệch vị trí lên nhau, một lỗi in thường thấy ngày xưa. Một sáng tạo vô cùng thú vị.
"Standing Man" của Marc Sijan. Trung thực đến kinh ngạc, hãy nhìn cách thể hiện mỡ bụng.
"Seated Girl" của Marc Sijan. Các mô tả khối cơ là một trong những kỹ năng không hề dễ với điêu khắc gia. Với kích thước lớn, sự hài hòa đạt được trong đường nét tỉ lệ là một vấn đề cực kỳ khó.
Carole Feuerman cũng mô tả da, các tác phẩm cũng tương tự Sijan với kích thước lớn, nhưng đặc trưng là sư hiện diện của nước ở bề mặt da. Các tác phẩn của Carole thường luôn là hình ảnh vận động viên bơi lội, người đang tắm, đang ngâm nước ... Đặc sắc nhất của Carole cũng ở điểm này: sự kết hợp này tạo nên cơ hội để thể hiện độ cường điệu của tác phẩm qua các xử lý ánh sáng và hiệu ứng nước.
"General's Twin" của Carole Feuerman, hãy quan sát sự tinh tế trên các giọt nước đổ trên làn da.

"Franscesa" của Carole Feuerman với làn nước phủ nhẹ trên da.
Cũng vẫn là tượng bán thân như Evan Penny, nhưng sự chăm chút và chi tiết trong râu và tóc các tác phẩm của Jamie Salmon đạt được sự phô trương cần thiết trong Cực Thực.


"Desolation" của Jamie Salmon
Maurizio Cattelan không tập trung mô tả con người mà tập trung vào ý tưởng biếm họa của đề tài: không quá chú tâm vào các hiệu ứng phô trương mà tập trung sự phô trương vào đề tài. Sự chân thực trong tác phẩm không đạt mức tuyệt đối nhưng sự thích thú vào đề tài có thể mang lại cảm giác kích thích ở Cực Thực. Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý khi xếp ông vào Cực Thực, vì việc diễn đạt thông qua Cực Thực chỉ là phương tiện, không phải mục tiêu.
"Untitled" của Maurizio Cattelan. Một tác phẩm mang màu sắc chống chúa rõ rệt. Bản INRI (Iēsus Nazarēnus, Rēx Iūdaeōrum, tạm dịch Jesus Vua của Người Do Thái) đâm vào ngay hông của ngựa, giống như ngọn giáo đâm vào hông của chúa Jesus trong 
"La nona ora" của Maurizio Cattelan. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông với cảnh giáo hoàng Jean Paul II bị thiên thạch đè trúng chân.
Patricia Piccinini và Ron Mueck có những tác phẩm tương đối mang ít nhiều siêu thực. Patricia thì hầu hết là siêu thực: những con quái vậy, những em bé nửa người nửa thú ... Nó không siêu thực ở mặt ý tưởng mà siêu thực ở cách thể hiện. Những tác phẩm kỳ quái của Patricia lại luôn mang dáng dấp của người với làn da mịn mỏng, khuôn mặt đáng yêu. Ở tác phẩm "The Long Awaited" là một tình yêu lớn. Không phải giữa con quái vật và em bé, mà là tình yêu lớn giữa hai sinh vật, tình yêu vượt qua sự kỳ thị chủng tộc, giới tính, hay giai cấp và vượt qua cả sự khác biệt mạnh mẽ nhất: giữa người và quái vật. Cái mỉm cười an lành của con quái vật trong vòng tay yêu thương của cậu bé mới chân thành làm sao. Ở "The Yougn Family", tôi thấy hình ảnh tuyệt đẹp của tình mẫu tử, ánh mặt của người mẹ nhìn đứa con của mình. Sự biểu cảm của nó được cường điệu hóa thông qua sự chân thực trong vật thể. Tôi không chắc ngoài đời có loài vật này, nhưng con mắt đầy tình yêu này thì tôi tin là có. Đó là những con người đội lốt quái dị. Ron Mueck ngược lại, những quái dị đội lốt người. Tất cả những tác phẩm của Mueck đều là người, nhưng ẩn sâu trong hình ảnh đó có cái gì đó đáng sợ, kỳ dị. Không một tác phẩm nào của Mueck là không chân thực, trừ một điểm, tôi không tin là các nhân vật đó có thật. Hãy xem tác phẩm "Người phụ nữ ôm củi" (các ảnh trên cùng đầu bài viết), khuôn mặt đó đầy sự hận thù, lặng lẽ, ám ảnh. Người phụ nữ không thể có thật, chí ít ở thời đại này. Khuôn mặt đặc tả của Mueck đầy khắc khoải, trầm tư, cam chịu, và đau thương. Nó khác với Patricia đầy tình yêu và hạnh phúc. Tôi chọn hai điêu khắc gia này để giới thiệu cho Cực Thực ở hai cung bậc cảm xúc trái nhau, được cường điệu bằng sự cực thực, nhưng đều mang lại hai hiệu quả đáng kinh ngạc.

"The Young Family" của Patricia Piccinini. Dưới hình dạng quái vật là một tình người.  Tình mẫu tử ở đâu cũng giống nhau.

"The Long Awaited" của Patricia Piccinini. Tình yêu thương giữa người với người chỉ còn là một tình yêu nhỏ, nếu so với một tình yêu lớn giữa một sinh vật với một sinh vật. 
Để thấy được hiệu ứng cường điệu tác động thế nào đối với cảm nhận của chúng ta, hãy tưởng tượng các tác phẩm điêu khắc ấy được thực hiện với tượng đồng hay thạch cao. Liệu chúng ta sẽ có cảm giác kinh ngạc này ?

Một cách tổng quát, Cực Thực chỉ là phản ánh bản chất thay đổi của xã hội: một thời kỳ giả tạo. Một thời kỳ mà người ta chỉ mong sống trong ảo tưởng giả tạo cả đời không bước ra ngoài, được hỗ trợ bởi mấy con quỷ ma kỹ thuật và công nghệ. Cả xã hội hoặc mộng thật hoặc mộng du. Mộng thật trong thế giới Siêu Thực, mộng du trong thế giới Cực Thực. Mộng thật trong trào lưu tâm linh dị thường, mộng du trong cuộc sống đời thường giả dối. Một cách nói hoa mỹ: "nó phản ánh sự giả tạo của thế giới bằng chính sự giả tạo của nó".
 
Dù là trường phái Cực Thực giờ đang rất nóng (ngại dùng từ Hot) tại Việt Nam lúc này [7], nhưng nó đã là khái niệm khá cũ rồi, giờ phải bàn đến cái trường phái mới hơn dù đã xuất hiện cũng gần năm năm nay là cái trường phái Cực Thật. Gọi là Cực Thật vì nó giống đến độ mắt thường bắt đầu không phân biệt được và các giác quan khác cũng nhầm, theo như định nghĩa Cực Thực mở rộng bên trên, mà nó còn làm nhầm lẫn cả suy nghĩ và tư tưởng nữa, vậy mới đáng nói. Nếu như Cực Thực dù đã có tính đại chúng tương đối nhưng nếu so với trường phái Cực Thật thì chưa là gì cả. Mà tôi ngờ là nó có còn có tính dân gian (folklore) nữa. 

Trường phái Cực Thật này nó đi ngay vào dân chúng, đi ngay vào đời sống xã hội. Tiên phong trong trường phái này là Trung Quốc với gạo giống như thật, trứng gà giống như thật, và nhiều cái tác phẩm nghệ thuật Cực Thật khác mang phong cách rất đại chúng. Đã qua rồi cái thời các tác phẩm được trưng bày một cách hoa mỹ trong các viện bảo tàng, giờ nghệ thuật phải đại chúng, phải "đi vào lòng công chúng" dù nghe đâu có nhiều tác dụng phụ (tôi thì chưa ăn tác phẩm Cực Thật nổi tiếng là gạo với trứng bao giờ, mà có khi ăn quen rồi nên chả biết cũng nên, thế thì đúng là "đi vào lòng người" thật rồi) [8]. Dù sao thì nó cũng được đón nhận khá nhiệt tình dù nói chung là còn nhiều ý kiến trái chiều, mà chủ yếu là trái chiều, nhỉ ?


Một dạng Cực Thật nữa, tồn tại đã lâu ở nhiều nước, và có lẽ ở thời cổ đại nữa, đó là nghề giả tranh và giả cổ. 


Cái kiểu Cực Thật này với tính mỹ học bị vứt bỏ không thương tiếc của thời kỳ hiện đại, choáng ngộp trong cái không gian biến đổi ảo diệu không ngừng của khoa học và kỹ thuật, những tưởng làm chủ được tất cả ngờ đâu lại trừ bản thân mình như Martin Pigeon đã nói [9]. Nếu Cực Thực được nói đến như thành quả của Hậu Hiện Đại (Postmodern), thì Cực Thật nên được so sánh với Siêu Hiện Đại (Hypermodern).


Chắc các bạn đang tự hỏi, điểm khác biệt giữa trường phái Cực Thực và Cực Thật là gì ? Đó là cảm xúc. Đó là tình người. Thiếu một trong hai cái ấy, Cực Thực trở thành Cực Thật. Có một trong hai cái ấy, Cực Thật trở thành Cực Thực. Cực Thực đi tìm bản thân, Cực Thật chỉ đi tìm tiền.


Gần đây có một kiểu Cực Thật nữa ứng dụng trong y học, thật hơn những cái nãy giờ nói, đó là phẫu thuật thẩm mỹ. Nó thì từ lâu đã vượt qua được các thị giác, xúc giác, thính giác và hình như cả vị giác nữa làm thỏa mãn bao nhiêu trái tim của các chị em phụ nữ, à mà nhầm, bao nhiêu trái tim của cánh đàn ông mới đúng! Trường phái Cực Thật này nghe lạ, chứ giờ nhan nhản ngoài đường. Hồi xưa người ta trọng Sự Thật bao nhiêu thì giờ người ta trọng sự Cực Thật bấy nhiêu. Mà mấy tác phẩm Cực Thật này hình như chả mấy khi mà bền. 

Với cá đà này, trường phái Cực Thật được phát huy rộng rãi trong toàn xã hội thì chẳng mấy chốc sẽ biến tướng thành một trường phái gì đó cao siêu hơn nữa, theo tôi dự đoán là sẽ sớm thôi, mà gần đây, với vụ ông thạc sĩ bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường, phẫu thuật và biến đổi cô Huyền dưới sông Hồng [10], thì cái tên hợp lý nhất cho trường phái này gọi là trường phái Cực Thiệt ! [11]


Ghi Chú:

[1] Reds.vn: http://www.reds.vn/index.php/cuoc-song/5648-sung-sot-truoc-nhung-buc-tuong-cuc-thuc-cua-ron-mueck

[2]


[3] Theo Meisel, Louis K. Photorealism. Harry N. Abrams, Inc., Publishers, New York. 1980. p. 12. 


[4] Trích dẫn gốc "to intensify the normal", Paul Cadden trong bài viết của Kerry Mcqueeney trên Daily Mail  ở bài "No, they're not photographs! The astonishing pictures drawn by PENCIL" năm 2012.


[5] Nguyên văn "This artist has chosen to use his art as a humanitarian effort to change the world" - Brenda Blackmon, WORTV.


[6] Một thương hiệu bảo tàng tượng sáp, chuyên làm tượng sáp các nhân vật nổi tiếng với kích thước thật.


[7] Tuy vẫn chưa đạt được trình độ cực thực, nhưng đã có bước tiến lớn trong thực ảnh, tuy vẫn chủ yếu bằng chì đen. Một hình kèm theo được vẽ bởi một bạn có tên Strong Right cho thấy sự lan tỏa của trào lưu này. (Hình cuối bài)


[8] Thịt giả, trứng giả, rượu giả, gạo giả ... trong bài Kinh hãi những đồ ăn giả của Trung Quốc đăng trên Vietnamnet.vn vào ngày 08.08.2013

http://vietnamnet.vn/vn/kinh-te/134760/kinh-hai-nhung-do-an-gia-cua-trung-quoc.html

[9] Martin Pigeon nói thế này: "Tôi đánh giá thời kỳ này, thời kỳ của chúng ta là siêu hiệu đại. Nó không phải là sự kết thúc của hiện đại (cho nên tôi không gọi là hậu hiện đại)", mà nó là sự tăng cường của [hiện đại] ở mọi mặt đời sống mà sự tự do bị thất bại trước chính nó", nguyên văn "Je qualifie cette époque, la nôtre, d’hypermoderne. Il ne s’agit pas de la fin de la modernité (raison pour laquelle je n’emploie pas le terme de postmodernité), mais de son accélération dans une direction où l’autonomie se fait échec à elle-même".
[10] Ngày Bà Lê Thị Thanh Huyền tới Trung tâm thẩm mỹ Cát Tường của ông Nguyễn Mạnh Tường để hút mỡ bụng và nâng ngực, ca phẫu thuật bất thành khiến bà Huyền tử vong và ông Tường cùng một nhân viên đã chở xác bà ném xuống sông Hồng để phi tang. Đăng với tựa đề : Bác sĩ thẩm mỹ thú tội vứt xác nữ bệnh nhân, trên vnexpress.net ngày 23.10.2013.


[11] Bạn tôi hỏi vì sao lại là trường phái Cực Thiệt, tôi trả lời thế này: "Vì để giải quyết hậu quả của nó thì cực thiệt".
 



Một tác phẩm của Việt Nam bắt chước phong cách cực thực. 

Comments

Popular posts from this blog

Dịch Thơ: Hồng Đậu Sinh Nam Quốc

Hán Ngữ: 红豆生南国, 是很遥远的事情. 相思算什么, 早无人在意. 醉卧不夜城, 处处霓虹. 酒杯中好一片滥滥风情. 最肯忘却古人诗, 最不屑一顾是相思. 守着爱怕人笑, 还怕人看清. 春又来看红豆开, 竟不见有情人去采, 烟花拥着风流真情不在. Hán Việt: Hồng đậu sinh nam quốc Thị ngận diêu viễn đích sự tình. Tương tư toán thập yêu, Tảo vô nhân tại ý. Túy ngọa bất dạ thành, Xử xử nghê hồng. Tửu bôi trung hảo nhất phiến lạm lạm phong tình. Tối khẳng vong khước cổ nhân thi, Tối bất tiết nhất cố thị tương tư. Thủ trứ ái phạ nhân tiếu, Hoàn phạ nhân khán thanh. Xuân hựu lai khán hồng đậu khai, Cánh bất kiến hữu tình nhân khứ thải, Yên hoa ủng trứ phong lưu chân tình bất tại. Dịch thể lục bát: Đậu hồng sinh ở nước nam, Chuyện xưa kể lại mấy lần chửa thông. Hỏi tương tư có gì không, Từ lâu đã chẳng bận lòng chút chi. Ta say giữa phố cuồng si, Tình say men rượu tràn ly phong tình. Thơ xưa quên hết làm thinh, Tương tư tủi hổ riêng mình đắng cay. Dám đâu nhân thế tỏ bày, Sợ người thấu tỏ, sợ đời cười chê. ...

Dịch Thơ: Mô Ngư Nhi - Nhạn Khâu của Nguyên Hiếu Vấn

Ai coi tiểu thuyết hay phim cổ trang Thần Điêu Hiệp Lữ của Kim Dung, chắc ai cũng có ấn tượng về bài thơ của Lý Mạc Sầu. Không ít người thuộc lòng, nhưng chắc không phải ai cũng rõ xuất xứ bài này. Trong tác phẩm Thần điêu hiệp lữ của Kim Dung, Lý Mạc Sầu chỉ hát nửa đầu của bài từ mà thôi: Hỏi thế gian Tình ái là gì nhỉ ? Sống chết một lời hứa luỵ Nam Bắc phân chia hai đàng Mưa dầm nắng dãi quan san Cánh chim bạt gió muôn ngàn khổ đau Chung quy một kiếp tình sầu Khi vui gang tấc Ngàn sầu biệt ly Biết cùng ai, biết nói gì Chỉ trông mây núi người đi không về... Bài này là một bài từ, nguyên văn như sau: Phần hán văn:  摸魚兒-雁丘 問世間、情是何物, 直教生死相許? 天南地北雙飛客, 老翅幾回寒暑。 歡樂趣、 離別苦, 就中更有痴兒女。 君應有語, 渺萬里層雲。 千山暮雪, 只影向誰去? 橫汾路、 寂寞當年蕭鼓, 荒煙依舊平楚。 招魂楚些何嗟及, 山鬼暗啼風雨。 天也妒、 未信與, 鶯兒燕子俱黃土。 千愁萬古, 為留待騷人。 狂歌痛飲, 來訪雁丘處。 Phiên âm: Mô ngư nhi - Nhạn khâu Vấn thế gian tình thị hà vật Trực giao sinh tử tương hứa Thiên nam địa bắc song phi khách Lão sí kỷ hồi hàn thử ...

Sáng Tác: "Thơ Thanh Giảng Tục" và "Thơ Tục Giảng Thanh"

Dẫn: "Thơ Thanh Giảng Tục" và "Thơ Tục Giảng Thanh" là hai loại trào phúng trong thơ tương đối thú vị, nhưng ít được coi trọng vì trái với lễ nghĩa thông thường.  "Thơ Thanh Giảng Tục" tức là bài thơ lời lẽ thanh cao, nhưng hàm nghĩa bên trong lại thô tục, thường là tả lại những cảnh phòng the. "Thơ Tục Giảng Thanh" tức là bài thơ lời lẽ thô tục, gợi cho người đọc những hình ảnh tục tiểu, nhưng giải nghĩa ra thì lại là những hình ảnh rất bình thường, trong sáng.  Thơ Thanh Giảng Tục:   Đánh Trận Đêm Một kẻ trông xuôi, kẻ chổng đầu, Anh hùng điên đảo giữa đêm thâu. Hang hùm mở thẳng đường hiểm địa, Kiếm ngọc đâm xuyên lối ngục sâu. Hai tướng giao tranh giành một tối, Tinh binh công tiến đánh giờ lâu. Thủy công, biển nước tràn hang cốc, Thắng trận, lui quân rửa máu sầu. Thơ Tục Giảng Thanh:  Thử Giầy Mới Hì hục hai tay mở lỗ tròn, Đút vào sao thấy hãy còn non. Thọc sâu, cả mép liền khít chặt. Thúc ...