"Objet à voir le chemin parcouru" của Philippe Ramette. |
Hồi tháng 11 này, có dịp đi ngang qua thành phố Annecy, ghé qua lâu đài và bảo tàng Annecy tham quan. Đặc biệt ấn tượng với tác phẩm này, nhìn ngắm một hồi lâu vẫn chưa thỏa mãn, nên chụp hình lại thông tin để viết. Đây là một tác phẩm "Objet à voir le chemin parcouru" (tạm dịch Dụng cụ quan sát con đường đã đi) của Philippe Ramette, một nghệ sĩ đương đại nổi tiếng của Pháp. Trước hết thì giới thiệu qua cái thành phố Annecy, lâu đài và bảo tàng đương đại; sau nữa thì giới thiệu tác giả rồi tác phẩm để tính sau.
Annecy là một thành phố thơ mộng của Pháp, được mệnh danh là Venise của nước Pháp (tôi thì cho là nó đẹp hơn cả Venise, nhưng khổ nỗi quy mô nhỏ quá). Nằm ở phía đông nam nước Pháp, trên dãy Alpes, nằm ngay nhánh sông Thiou chảy vào hồ Annecy, đây là một nơi danh thắng nổi tiếng du lịch. Lâu đài Annecy, vốn là nơi ở của quận công Geneva từ thế kỷ 12, sau một quãng dài bị quên lãng, được phục hồi lại vào giữa thế kỷ 20, cuối cùng trở thành bảo tàng nghệ thuật đại chúng [1].
Tác phẩm "Traversée du Miroir, image arrêtée" |
Philippe Ramette, sinh 1961 ở Yonne, Pháp, là một nhà điêu khắc và nhiếp ảnh gia đương đại. Ông chủ yếu dùng chất liệu nhựa, ông chủ yếu tạo nên các đối tượng khá kỳ quặc với mục đích rõ rệt hướng đến ý tưởng thể hiện. Tác phẩm của ông thường được thể hiện thông qua một ảnh chụp bởi nhiếp ảnh gia Marc Domage. Các chủ đề mà ông khơi gợi dựa trên trí tưởng tượng, sự chuyển hướng cảm xúc và thay đổi trong nhận thức. Ông đặc biệt ưa thích sự phản chiếu của gương, có lẽ ông cho rằng nó gợi được nhiều xúc tác trong việc khơi gợi nội tâm của người xem, "chơi với ý nghĩa nước đôi của từ ngữ, giữa sự phản chiếu của thị giác và các quá trình tâm linh." như ông nói về tác phẩm "La Traversée du Miroir, image arrêtée" (tạm dịch Bước qua gương, ảnh bị chặn) của ông [2].
Vật thể chính trong tác phẩm này chính là cái kính đặt biệt. Được thiết kế sao cho người dùng chỉ nhìn được duy nhất ở phía sau. Đây không phải là lần đầu tiên Ramette chế tạo những dụng cụ kỳ dị dạng này. Trong "Objet à voir le monde en détail" (tạm dịch Dụng cụ nhìn thế giới chi tiết) là một cái hộp phóng đại chi tiết của một phần cảnh vật thành một cái lỗ nhỏ xíu. Trong "Point de vue individuel portable" (Cái nhìn cá nhân mang theo) là một dụng cụ cố định cái nhìn. Trong "Socles à reflexion - Utilisation" (tạm dịch Đế phản chiếu) là một đôi giầy mang gương, phản chiếu ánh sáng mặt trời. Một lần khác là "Miroir rationnel" (tạm dịch Gương hợp lý), một cái gương biến dị với các lỗ trống. Tất cả dụng cụ đó chỉ là một công cụ hình thức để ông gợi mở cho người xem một trải nghiệm, một cảm giác, một tư tưởng mà ông không để lộ rõ ra. Điểm thú vị nhất là ở chỗ đó. Tất cả chỉ là trải nghiệm, không có một bài học luân lý cao siêu nào được đưa ra, trừ sự cao siêu của chính nó qua trải nghiệm của người xem. Tất cả dụng cụ đó là giấy nháp, khi đã phác thảo xong cái tư tưởng sau thể nghiệm, tờ giấy nháp đó bị vứt bỏ. Bản thân tờ giấy nháp đó không có một tư tưởng gì, giống như đống dụng cụ kỳ dị của ông. Nó là một bản nháp thể nghiệm, đừng coi trọng nó. Ông nói về nó: "tất cả đồ vật của tôi đều là những quá trình suy tư, chí ít thì cũng làm để thử hơn là thật. Nó hoạt động như tấm gương của tâm hồn"[3].
Tác phẩm "Wanderer above the Sea of Fog" của Caspar David Friedrich. |
Tác phẩm "Point de vue individuel portable - Utilisation" với dụng cụ cố định góc nhìn. |
Tác phẩm "Socles à reflexion - Utilisation" |
Tác phẩm "Balcon 2 - Hong Kong" |
Cách bố trí nhân vật khiến ta nhớ đến một tác phẩm nổi tiếng của họa sĩ người Đức Caspar David Friedrich là "Wanderer above the Sea of Fog" (tên gốc tiếng Đức "Der Wanderer über dem Nebelmeer", tạm dịch tiếng Việt là Lang thang trên biển sương mù) [4] với cùng cách thể hiện tu tưởng -xem bên trên. Hình ảnh phóng tầm mắt từ trên cao, với một không gian rộng và thoáng, nhân vật nam mặc áo khoác xanh, tay cầm gậy phóng tầm mắt về dãy núi xa và đám sương mù dầy đặc bao phủ cảnh vật bên dưới. Tác phẩm là một phép ẩn dụ về "tương lai bất định"[5], bất khả tri và hoàn toàn thụ động. Nó cũng là sự tự phản ánh nội tâm của tác giả về một thế giới đầy bất trắc, ẩn giấu sự nguy hiểm, đầy mơ hồ và bí mật. Cảm giác của bất kỳ ai khi đặt trong hoàn cảnh này đều tương tự nhau: sự nhỏ bé của con người so với sự to lớn của thế giới [6]. Sự choáng ngợp đó được tăng thêm bởi sự bao phủ của mây, bởi những con gió mạnh tốc mái, bởi sự chông chênh của vị trí đứng. Nó buộc người ta phải suy nghĩ về số phận con người, về cuộc đời, về sự sống. Một cảm giác triết được gợi ra một cách dễ dàng. Không phải tự nhiên mà tôi gợi ý về tác phẩm này của Caspar. Quan sát hầu hết các tác phẩm của Ramette, ta đều thấy một phong cách chông chênh và đầy suy tư trong các tư thế gần như giống hệt với bức tranh này của Caspar như "Socles à reflexion - Utilisation", "Balcon 2 - Hong Kong", "Point de vue individuel portable - Utilisation", "Exploration rationnelle des fondssous-marins : l’ascension" ... Tác phẩm "Objet à voir le chemin parcouru" (Dụng cụ quan sát con đường đã đi) này cũng không ngoại lệ.
Tác giả chụp trước tác phẩm "Objet à voir le chemin parcouru" của Phillipe Ramette |
Quay lại với bối cảnh của đối tượng, đây là hình ảnh vùng núi tuyết, tư thế đối tượng hơi căng cứng, có lẽ đang đón gió lạnh tạt về sau. Một chân bước lên khối đá cao hơn, đây có lẽ là bước cuối cùng để lên đến đỉnh núi. Một tay buông thõng, một tay đặt lên đùi, đối tượng không còn bước thêm chút nào nữa vì đây là điểm cuối cùng. Cái dừng chân này thật lạ: cảm xúc khi người ta đạt đến đỉnh cao, một bước nữa là được, thế mà lại dừng lại. Đây là cảm xúc có thật với bất kỳ ai có kinh nghiệm chinh phục điều gì đó, người ta thường dừng lại, nhìn lại một chút về quãng đường đã qua, khi ở bước cuối cùng. Đối tượng mặc vest công sở, chứ không phải áo leo núi hay thể thao, đây là một biếm họa dành cho giới cổ cồn trắng.
Bố cục của tác phẩm cũng hết sức tinh tế. Người đàn ông ở vị trí một phần ba truyền thống, ngay vị trí vàng. Không gian được chia làm ba khoảng không đều nhau. Thấp nhất là tầng đất, chân người đạp lên, là cái đã biết, là cái khả tri, chiếm diện tích nhỏ gọn, và lại rất chông chênh. To hơn chút nữa là tầng núi tuyết, rộng và trắng xóa, khoảng nghi ngờ, khoảng do dự, khoảng cân nhắc. Ngoài tầng núi tuyết đó là tầng trời, rộng bạt ngàn, xanh ngắt một màu, thoáng đãng đến rợn người, hoàng toàn vô định, hoàn toàn lạc lõng. Nếu ở Caspar chỉ có hai tầng: một tầng đất khả tri và một tầng trời nhập nhằng vô định thì ở trong Ramette là ba tầng. Mà nói là ba tầng chứ "khả tri" nhỏ nhoi quá lại chông chênh, chỉ có "bất khả tri" là mông lung, rộng đến vô cùng. Đời là thế ư ?
Ramette có thật sự muốn chúng ta nhìn thấy ảo tưởng chung của cả xã hội và tìm cách chỉnh sửa các "dị tật bẩm sinh" đó của loài người hay không ? [7]. Có thể coi đó là một câu hỏi của Ramette đối với Caspar: so với việc nhìn thấy toàn bộ cảnh đẹp vô định và hư ảo, có hay ho gì khi chỉ nhìn thấy đoạn đường chông chênh mình đã đi qua mà không bén mảng gì tới cảnh đẹp tuyệt vời của thiên nhiên ở trên đường đi và của đích đến ? Trong cái xã hội mà mọi người bị cuốn theo một con đường nhất định, bám theo những cái có sẵn, một định hướng duy nhất như con đường mà người đàn ông thấy. Người đàn ông chỉ nhìn thấy con đường mình đã qua để vạch ra lộ trình cho con đường sắp đến, hoàn toàn không chú ý gì đến mọi thứ xung quanh: cảnh vật, môi trường. Đó là một xã hội mà mỗi người trở nên biệt lập với cái khung không gian của họ, còn những người xung quanh như một hiện thực bị che giấu, dù nó sờ sờ ra đó, chỉ vì một cái "mắt kính" của nhận thức, dụng cụ mà người đàn ông đang đeo. Đó là một nghịch lý: chúng ta hướng tới cái chúng ta muốn hướng tới mà chẳng phải thứ chúng ta muốn hướng tới thật sự. Hậu quả là gì : một cú té núi chăng ? [8]
Đeo mắt kính chỉ thấy được phía sau, một dụng cụ giống như hallucinoscope [9]: mắt kính điên rồ. Nó là công cụ của những kẻ mơ tưởng, những người muốn đi trên mây. Đó là một mắt kính "siêu thực" có thực. Nó là công cụ khám phá cái tôi kỳ dị và cái tâm hồn triết học của bản thân. Đó là điều biểu hiện y hệt trong tranh của Caspar: điều vô định, bất khả tri. Có điều, ở Ramette, nó được nâng lên một cách cao hơn, rõ rệt hơn. Bằng sự vô định, vượt qua nguy hiểm, người đàn ông đã leo lên đến bước cuối cùng. Vậy khi leo đến bước cuối cùng, cũng là sự vô định đó, người đàn ông nghĩ gì ?
Rút cuộc, chỉ những kẻ từng chinh phục với hoàn cảnh tương tự mới biết. Tất cả những gian nan đã qua ? Tất cả những thứ hạnh phúc đã bỏ lại ? Không biết. Nó khiến tôi nhớ đến một câu nói nổi tiếng "Không có con đường nào dẫn đến hạnh phúc, hạnh phúc là con đường"[10]. Ramette muốn nói điều này chăng ? Không biết. Tôi lại nhớ đến một câu nói khác của người xưa : "Thiên kim nan mãi nhất hồi đầu" (ngàn vàng không mua được một cái quay đầu lại). Ramette muốn nói điều này chăng ? Không biết. Vậy ai biết? Tôi ngờ là chính Ramette cũng không biết. Nhưng người đeo cái kính ấy, leo đỉnh núi ấy, trong khoảng khắc đặt biệt ấy, thì biết. Chỉ duy người ấy biết thôi.
Ghi chú:
[1] Trang chính thức của bảo tàng: http://musees.agglo-annecy.fr
[2] Nguyên văn: "Mon désir d’utiliser le miroir est ancien et né de l’idée de jouer avec le double sens du mot, entre la réflexion visuelle et le processus mental. Le langage est souvent pour moi le point de départ d’un travail, à travers un jeu de mots ou une expression, comme tirer sur la corde, le fil du rasoir, etc. "
[3] Nguyên văn: "Tous mes objets sont des processus de pensée. […] Il faut moins [les] tester que s’y projeter. Ils fonctionnent comme des miroirs pour l’âme" (Philippe Ramette).
[4] Lang thang trên biển Sương mù (tiếng Đức: Der Wanderer über dem Nebelmeer ) là một bức tranh sơn dầu sáng tác vào năm 1818 bởi nghệ sĩ thuộc trường phái Lãng Mạn người Đức Caspar David Friedrich hiện được trưng bài trong cung điện Hamburg Kunsthalle ở Hamburg, Đức.
[5] "tương lai bất định" lời của Ron Dembo trong The Rules of Risk, nhà xuất bản John Wiley and Sons năm 2001.
[6] Nguyên văn "is contradictory, suggesting at once mastery over a landscape and the insignificance of the individual within it." trong cuốn The Landscape of History của John Lewis Gaddis, nhà xuất bản Oxford University Press.
[7] Hallucinoscope là một cái kính gây ảo giác, với một mặt kính phản chiếu lên trên. Nó được sáng tạo bởi Gérard Faier, còn được biết dưới tên Gérard Majax là một trong những nhà ảo giác học nổi tiếng nhất của Pháp.
[8] Lấy từ bình luận của Christian Bernard trong "Pourquoi on aime Philippe Ramette", Tạp chí nghệ thuật 2001. Nguyên văn "L'Homme de Ramette est moral, il se sait faible et mortel, il connaît les illusions communes et s'attache à corriger certains de ses défauts innés."
[9] Lấy từ giới thiệu tác phẩm. Nguyên văn: "Monter toujours plus haut pour finalement ne voir que le chemin déjà parcouru et non plus la beauté de la nature qui s'offre et se découvre. Ce serait comme une mise en scène paradoxale de l'absurdité de "l'effort -en-soi" qui ne s'ouvre pas à la beauté mais se contemple. C'est à la fois drôle et dérisoire, on pourrait imaginer l'image suivante :une chute dans le vide, à la B.Keaton .. C'est en marchant qu'on trace son chemin .."
[10] Câu này vốn có gốc là từ Paul H Dunn, được dịch thoát nghĩa rồi lưu truyền sai đến bây giờ. Nguyên văn đúng là "Happiness is a journey, not a destination; happiness is to be found along the way not at the end of the road, for then the journey is over and it's too late. The time for happiness is today not tomorrow.".
Comments
Post a Comment
Để lại bình luận :...