Bỉ ngạn mọc bờ sinh tử,
Ký ức qua đây, để lại tương tư.
Nhớ thời cả hai chìm trong mộng tưởng,
Rong ruổi cùng nhau khắp bốn phương.
Bước qua những đền tháp đầy xương,
Tượng chúa xót đau nhìn lặng lẽ,
Lời nguyện cầu rất khẽ,
Cái nhìn âu yếm hoàng hôn.
Ân tình kiếp trước còn chôn,
Để kiếp này chút tình vương loạn,
Gặp nhau rồi đành đoạn,
Uống rượu chia ly.
Ân tình cũ cuồng si,
Gửi Bỉ Ngạn thu vào hồn máu.
Mặc ta trong luân hồi lục đạo,
Vạn kiếp lưu vong.
Cùng nhau vượt qua định kiến tổ tông,
Lại quay đầu buông xuôi tất cả,
Bỉ ngạn nở hoa không lá,
Bỉ ngạn ra lá không hoa.
Lá hoa cùng thân
Lại không cùng sống.
Dối nhau câu phù sinh nhất mộng,
Luyến ái còn theo.
Bờ Vong Xuyên lạnh lẽo,
Hoa Bỉ Ngạn vương hương.
Kiếp này lỡ đau thương,
Kiếp sau còn mong gặp ?
Nhìn Bỉ Ngạn cười,
Nhìn Bỉ Ngạn khóc,
Trách ta cố chấp.
Nhớ chối canh Mạnh Bà ở cửa đầu thai ...
Mơ một ngày,
Cùng nhau đến chân trời cuối đất.
Nắm tay kề cạnh,
Lãng du đến chốn khôn cùng ...
Thi thoại:
Cảm tác khi nghe bài Bỉ Ngạn Hoa. Nhân sự ấy mà viết bài này. Bỉ Ngạn hoa tương truyền mọc nơi Hoàng Tuyền, bên bờ Vong Xuyên hồ ở Minh Giới. Hoa đỏ rực như máu, dưới trăng ánh lên như lửa, tiếp dẫn người chết đến xứ u linh của địa ngục cho nên mới có câu "Tiếp dẫn chi hoa, hoả chiếu chi lộ". Linh hồn đi ngang qua Vong Xuyên, bi ai của một đời liền bị Bỉ Ngạn hút lấy, bèn quên hết tất cả những gì khi còn sống, chỉ lưu lại nơi Bỉ Ngạn mà thôi. Bỉ Ngạn hoa, nở một ngàn năm, tàn một ngàn năm. Hễ hoa nở thì lá tàn mất, hễ lá mọc thì hoa tàn mất, tuy cùng một cội rễ nhưng đời đời kiếp kiếp chẳng gặp được nhau, là một loài hoa kỳ lạ.
Truyền thuyết kể rằng loài hoa này vốn là một cặp nhân duyên trái luật, bị ông trời trừng phạt, vĩnh viễn không cho gặp mặt. Nhưng hai người họ, rốt cuộc có ngày, vì cảm mến nhau mà bỏ qua luật trời, thề nguyện ở với nhau đời đời kiếp kiếp, mãi mãi cùng một nơi. Vì trái luật trời, nên bị trừng phạt, trở thành một loài hoa lạ, hoa lá không thể diện kiến nhau. Trải qua trăm ngàn kiếp luân hồi, vì hận ý đó mà sinh ra oán khí, một màu rực lửa bi thương, ngút tận trời cao. Đức phật có lần đi ngang qua, thấy niềm hận ý đó, cảm thông tình cảnh của loài hoa này, bèn cầm lấy hoa trong tay muốn đưa lên thiên giới để cho cả hai được tái hợp mà giải lấy oán khí. Không ngờ khi đi qua Vong Xuyên, vô tình bị nước sông làm ướt áo. Khi mở tay áo ra, thấy oán khí của hoa trôi cả vào Vong Xuyên, còn lại trong tay áo một hoa màu trắng tinh anh. Phật liền hiểu ra đem đoá hoa này đặt trồng ở miền cực lạc gọi là Mạn Đà La Hoa. Lại nói ở Vong Xuyên, oán khí vạn kiếp của hoa ở lại, làm đỏ rực cả dòng sông, suốt ngày than khóc ai oán, khiến cho các vong nhân đi qua vong xuyên không muốn xuống địa ngục u linh mà vương vấn mãi những bi ai của trần gian. Đức phật quay lại Vong Xuyên, thả một hạt giống, oán khí của hoa lại quay về hạt giống đó rồi nở rộ, nguyện làm kẻ tiếp dẫn cho vong nhân. Hoa này có màu đỏ oán khí, gọi là Mạn Châu Sa Hoa, nguyện đời đời hấp thụ lấy ai oán của vong nhân, để vong nhân quên hết bi ai của trần gian mà thoải mái đi đến cầu Nại Hà đầu thai, cho những linh hồn đã rời khỏi nhân giới có một sự chỉ dẫn và an ủi. Trong kinh Phật có câu: “Bỉ Ngạn hoa, một nghìn năm hoa nở, một nghìn năm hoa tàn, hoa diệp vĩnh
bất tương kiến. Tình bất vi nhân quả, duyên chú định sinh tử.”
Vì vậy, hoa có hai màu: trắng gọi là Mạn Đà La Hoa, đỏ gọi là Mạn Châu Sa Hoa, đều mọc ở bờ bên kia (Bỉ Ngạn) của sông Vong Xuyên, nên đều được gọi là Bỉ Ngạn Hoa. Hoa ngàn năm tàn, ngàn năm nở, hoa lá không thể cùng nhau, là kết tinh của bi ai trần gian.
Vì vậy, hoa có hai màu: trắng gọi là Mạn Đà La Hoa, đỏ gọi là Mạn Châu Sa Hoa, đều mọc ở bờ bên kia (Bỉ Ngạn) của sông Vong Xuyên, nên đều được gọi là Bỉ Ngạn Hoa. Hoa ngàn năm tàn, ngàn năm nở, hoa lá không thể cùng nhau, là kết tinh của bi ai trần gian.
bài viết rất hay về ý nghĩa của Hoa bỉ ngạn
ReplyDelete