Dịch Thơ: Thoa Đầu Phượng của Đường Uyển


Chữ Hán:

釵頭鳳 

世情薄, 
人情惡, 
雨送黃昏花易落。 
曉風乾, 
淚痕殘。 
欲箋心事, 
獨語斜闌。 
難!難!難! 

人成各, 
今非昨, 
病魂常似鞦韆索。 
角聲寒, 
夜闌珊。 
怕人尋問, 
咽淚妝歡。 
瞞!瞞!瞞!


Phiên Âm:

Thoa Đầu Phượng

Thế tình bạc, 
Nhân tình ác, 
Vũ tống hoàng hôn hoa dị lạc. 
Hiểu phong càn, 
Lệ ngân tàn. 
Dục tiên tâm sự, 
Độc ngữ tà lan. 
Nan! Nan! Nan! 

Nhân thành các, 
Kim phi tạc, 
Bệnh hồn thường tự thu thiên tác. 
Giốc thanh hàn, 
Dạ lan san. 
Phạ nhân tầm vấn, 
Yết lệ trang hoan. 
Man! Man! Man!


Tự Dịch:

Tình đời bạc,
Tình người ác,
Mưa xua hoàng hôn hoa tan tác,
Gió thốc tràn,
Lệ giọt tàn,
Viết thư tâm sự,
Một chữ miên man,
Nan! Nan ! Nan!

Người đơn bạc,
Nay mai khác,
Tâm bệnh mỏng mảnh treo đợi thác,
Tiếng tù hàn,
Đêm lạnh mang,
Sợ người tra hỏi,
Nuốt lệ, điểm trang,
Man! Man! Man.

Cảnh Lục Du gặp Đường Uyển.
Thi Thoại:

Chuyện kể rằng: đời Tống, có người tên Lục Du lấy người em họ tên là Đường Uyển, vốn tâm đầu ý hợp. Thế nhưng thân mẫu của Lục Du lại không ưa Đường Uyển, thường nghe lời gièm pha nên buộc hai người phải ly hôn. Về sau, Lục Du lấy Vương Thị, Đường Uyển cũng tái giá, lấy Triệu Sĩ Trình. Mấy năm sau, vào mùa xuân, hai người tình cờ cùng đi chơi Thẩm Viên, ngẫu nhiên gặp nhau. Đường Uyển gửi rượu mời Lục Du. Lục Du thương cảm, vung bút đề lên bức tường trong Thẩm Viên một bài tống từ, đặt tên là Thoa Đầu Phượng. Đường Uyển sau khi đọc được bài này trong lòng rất đau khổ, làm một bài tống từ cũng theo điệu Thoa Đầu Phượng họa lại. Sau đó, nàng đau buồn, lâm trọng bệnh rồi qua đời. Lục Du hối hận mấy phen chết đi sống lại, thương nhớ không nguôi. Sau này, Đường Uyển trở thành đề tài xuyên suốt trong sáng tác của Lục Du. Cho đến lúc chết, Lục Du cũng không thể quên được người yêu ban đầu này. Câu chuyện trở thành tiêu biểu cho tình yêu chia cách đầy uất hận. Nhân gian về sau đánh giá câu chuyện này gọn trong ba chữ "Thiên Cổ Hận". Bài trích bên trên chính là bài Thoa Đầu Phượng mà Đường Uyển đã làm.

Bài này dịch lại đúng theo thể tống từ của bài gốc, giữ nguyên được số từ trong câu, giữ nguyên được vận, nhưng không giữ được trọn vẹn bằng trắc. Bài này vốn dĩ không quá khó dịch, vài câu có thể coi là dễ dàng. Tỉ như câu "Tình đời bạc, tình người ác", hoặc như câu "lệ thốc tràn, lệ giọt tàn", đều không mấy khó. Khó đầu tiên là ở câu "Độc ngữ tà lan". Nghĩa của câu này chính là một chữ cũng khó giải bài, ý đều vượt khỏi chữ mà không thể hạ được. Tà lan tức là xuyên xuống mà chệt ra ngoài, chữ không vào ý được. Cực kỳ khó dịch. Một vài bản dịch hạ "rặt ý lan man", tương đối tốt, nhưng chữ "lan man" về ý là tiêu cực, lan man tức là lạc đề, chứ không phải vì ý thoát khỏi chữ. Thành ra suy tính, hạ được bốn chữ "một chữ miên man", có thể coi là thành tựu.

Hai câu: "Nhân thành các, Kim phi tạc" lại càng khó dịch. Nghĩa gốc là người mỗi lúc một khác, hôm nay thì khác ngày xưa. Chữ "các" có hai cách hiểu: một là đơn lẻ, một mình; hai là riêng, mỗi một. Khó là vì đang ép vận "ác", mà trong tiếng việt, không có chữ nào có âm "ác" mà phù hợp cả.  Chỉ có chữ "khác" là hợp hơn cả. Nhưng mà hai câu đều cần âm "ác". Hễ hạ chữ "khác" ở câu trước thì câu sau thiếu, mà hạ ở câu sau thì câu trước thiếu. Lấy được chữ "đơn bạc", tạm được, nhưng không sát. Câu sau vốn dĩ dịch sát phải là "xưa nay khác", nhưng chữ "xưa nay" dễ tạo cảm giác ổn định (trong tiếng Việt, khi dùng từ "xưa nay" đều ám chỉ một điều gì đó bất di bất dịch, hiển nhiên), cho nên phải sửa thành "nay mai" để cho thấy sự biến chuyển lớn.

Điểm khó cuối cùng là ở câu "Bệnh hồn thường tự thu thiên tác". Nghĩa gốc vốn là bệnh trong tâm trí, giống như dây xích đu đung đưa qua lại, ý là rất yếu. Nhưng đưa vào thơ thì chẳng được. Bản dịch duy nhất hiện tại thì dịch nhầm từ "thu thiên" (nhầm thành "thiên thu") nên dịch thành "bệnh lòng như thể ngàn thu tạc". Nay dịch sửa lại, hạ được thành "Tâm bệnh mỏng mảnh treo đợi thác", vừa thoả được ý cái xích đu, vừa thoả được ý về cái suy yếu. Tiếc nỗi không đem được nguyên gốc chữ "xích đu" vào trong câu, bởi trong tiếng Việt không có ý niệm này. Tiếng Việt dùng ý niệm "ngàn cân treo sợi tóc" để diễn đạt thay. Cho nên câu dịch dùng chữ "treo đợi thác" chính là gợi lại ý diễn đạt này.

Lục Du yêu Đường Uyển, mà mẹ lại không ưa cùng, chính là "oán tăng hội". Yêu lại chẳng thể bên nhau như ý nguyện chính là "cầu bất đắc". Đã xa mấy lượt, lại ngẫu nhiên gặp nhau để rồi xa nhau mãi mãi, chính là "thụ biệt ly". Ôi cả ba cảnh đoạn trường cùng một hội, tạo nên cảnh thương tâm, chính là kiệt tác của ông trời đó vậy. Oán ai đây ? Nan ! Nan ! Nan ! 

Bút tích bài Thoa Đầu Phượng nghe đâu vẫn còn được lưu giữ ở Thẩm Viên.

No comments

Post a Comment

Để lại bình luận :...

Home