Skip to main content

Narcissus, Chứng Bệnh Thời Đại

Vừa nhận lời viết cho Vừng Ơi, một phong trào văn hoá ở Đà Nẵng. Loay hoay tìm chủ đề mãi chưa có. Vô tình đọc lại cuốn Nhà Giả Kim của Paulo Coelho. Thôi đừng nói về Paulo Coelho mà hãy nói về Narcissus.

Trong Nhà Giả Kim của Paulo Coelho mở đầu bằng câu chuyện về Narcissus, cho nên trộm nghĩ không có lời mở đầu nào hay cho bằng trích lại đoạn sách ấy cho đọc giả:

"Dĩ nhiên, ông không lạ gì truyền thuyết về chàng Narcissus xinh trai, ngày ngày soi mặt trên hồ nước để tự chiêm ngưỡng sắc đẹp của mình. Chàng say mê chính mình đến nỗi một ngày kia nghiêng quá đà, ngã xuống hồ và chết đuối. Thế là từ nơi đó mọc lên một bông hoa đẹp, mang tên chàng Narcissus. [...] sau khi chàng chết, những nàng tiên trong rừng hiện ra, thấy hồ nước ngọt kia giờ đã biến thành một đầm lầy mặn vì nước mắt.
“Vì sao em khóc ?” – các nàng tiên hỏi.
“Vì em thương tiếc chàng Narcissus”, hồ nước đáp.
“Phải rồi. Các chị chẳng ngạc nhiên tí nào. Và tuy tất cả chúng ta đều theo đuổi chàng nhưng chỉ mình em được chiêm ngưỡng sắc đẹp tuyệt vời ấy”. “Chàng xinh trai đến thế ư ?”, hồ nước ngơ ngác hỏi.
“Còn ai biết điều này rõ hơn là em chứ ?” – các nàng tiên ngạc nhiên – “ngày nào mà chàng chẳng cúi người soi mình trên mặt hồ”.
Nghe thế, hồ nước im lăng hồi lâu rồi mới đáp : “Đúng là em khóc chàng Narziss, nhưng em chưa bao giờ để ý rằng chàng đẹp trai đến thế. Em khóc chàng vì mỗi lần chàng soi người trên mặt hồ thì em mới thấy được sắc đẹp của chính em hiện lên rõ trong đôi mắt chàng”.

Chứng tự ái kỷ của cái hồ, rõ ràng là chỉ hơn chứ không kém Narcissus.

Narcisse là hình mẫu của chứng tự ái kỷ, yêu bản thân đến mức điên rồ. Được biết chủ yếu nhờ câu chuyện trong tác phẩm kinh điển Metamorphoses của thi sĩ Ovid. Trong cuốn số 3 của tác phẩm này, Ovid kể về tình yêu của Echo dành cho Narcisse. Echo (tiếng vọng) yêu Narcissus nồng cháy, nhưng vì Echo chỉ có thể lập lại những gì người khác nói, chứ không thể thổ lộ tình yêu đó nên Narcissus đã bỏ rơi nàng. Nemesis, nữ thần trả thù, nghe được câu chuyện đó và quyết định trừng phạt Narcissus. Nữ thần dẫn dụ Narcissus nhìn thấy gương mặt của chàng ở bờ nước, và chàng tự yêu lấy tấm ảo ảnh đó. Không thể đạt được tình yêu với cái bóng của chính mình, Narcissus nhảy xuống sông cùng với ảo ảnh của chàng và chết.

Narcissus của Caravaggion (1597-1599).
Tranh về Narcisse thường khá giống nhau: hình ảnh chàng trai nhìn đắm đuối xuống hình ảnh phản chiếu của mình trên mặt nước. Bức nổi tiếng nhất có lẽ là của Caravaggio. Bức tranh nay được đặt ở Viện Triễn Lãm Quốc Gia Về Nghệ Thuật Cổ của Roma, Italia. Khéo léo đặt đối xứng giữa một bên là người thật, một bên là ảo ảnh. Bên người thật sáng sủa, rõ ràng bao nhiêu, thì bên ảo ảnh âm u, tăm tối bấy nhiêu. Narcissus được mô tả dưới dạng một cậu trai với khuôn mặt bầu bĩnh, đắm đuối nhìn ảo ảnh của chính mình trên mặt nước. Khuôn mặt ngây thơ của cậu trai cho thấy cách nhìn của Caravaggio về Narcissus có ít nhiều thiện cảm. Ông coi tình yêu mù quáng của Narcissus với chính mình chỉ là một tình yêu trong trắng hồn nhiên. Hai tay chống xuống bờ nước, cùng với ảo ảnh của chính cậu, tạo thành một vòng tròn khép kín, trong đó vị trí gối đóng vai trò trung tâm của vòng tròn. Cách tạo vòng tròn này tạo cho người xem cảm giác bức bối, như bị bó hẹp trong vòng tròn ấy, bị bao vây bởi hai ảnh thực-ảo đối lập mà không thể thoát ra. Nó khiến cho chủ đề của bức tranh được giác quan của mắt tô đậm nét: sự mù quáng của loài người. 

Về mặt kỹ thuật, tranh Narcissus vào thời kỳ này thường được dùng để phô bày sự tinh tế trong nét vẽ ảnh phản chiếu trên mặt nước [2]. Đặt biệt là kỹ thuật vẽ chiaroscuro (tương phản giữa ánh sáng và bóng tối), được sử dụng thường xuyên trong chủ đề này. Điểm thú vị của bức này ở chỗ, đây là bức duy nhất Caravaggio sử dụng kỹ thuật này ở ảnh phản chiếu mặt nước.

Người mẫu để vẽ Narcissus ở bức này có thể là cùng một người mẫu với bức Rest on the Flight into Egypt, trong vai thiên thần hoặc bức Victorius Cupid, cũng trong vai thiên thần Cupid. Ta có thể nhận ra mái tóc nâu, góc mũi và đặc biệt là cái miệng. Cái áo của Narcissus có thể đã được dùng nhiều lần cho các lần vẽ của Caravaggio, đặc biệt nhận ra bộ áo này ở bức The Panitent Magdelene. Có thể dự đoán sự ra đời của bức tranh này cùng thời với bức tranh về Magdelene vào khoảng những năm 1594-1595 [3], khi Caravaggion làm việc cho danh họa đương thời Giuseppe Cesari [4] vào những năm đầu đến Rome. Hẳn đây là thời kỳ nghèo túng của Caravaggio trước khi ông bắt đầu nổi tiếng vào những năm 1600.

Rest on the Flight into Egypt của Caravaggio
Victorius Cupid của Caravaggio
The Panitent Magdelene của Caravaggio
Bức của Caravaggio được yêu thích bởi hai lẽ. Một là, hình ảnh Narcissus đáng yêu, hồn nhiên và ít nhục dục hơn phần lớn những bức vẽ khác. Hai là, hình ảnh Narcissus trong Caravaggio không chứa cảm giác sầu não, dù ít nhiều u buồn. Chẳng hạn, bức Narcissus And Echo của Nicolas Poussin với thảm cảnh Narcissus nằm chết trên bờ đá, cùng với thái độ bàng quang của Eros, thần tình yêu và Echo. Narcissus, dưới dạng một chàng trai trưởng thành, là trung tâm của bức tranh, với tư thế chết như đang nằm ngủ. Bên tóc, những nhành hoa thủy tiên nở rộ, giống như trong truyền thuyết, chàng Narcissus chết đi hóa thành hoa thủy tiên (hoa narcisse) mang tên chàng. Echo nằm trên tảng đá khá thờ ơ, thậm chí mắt còn không nhìn Narcissus ! Nàng Echo nằm ở đây thật vô duyên, đây là điểm trừ cho bối cảnh này. Và cả với Eros, với cái nhìn chẳng đâu vào đâu.  Chúng ta nhận ra Eros với đôi cánh nhỏ, cây cung đeo trên vai. Với những ai sành biểu tượng, hình ảnh ngọn đuốc trong tay của Eros là một biểu tượng của cái chết. Nó đại diện cho nữ thần Hecate, người bảo trợ cho linh hồn và thuật triệu hồn [7]. Ngọn lửa của cây đuốc gắng liền với nghi lễ đưa tang, khi người ta dùng nó để thắp sáng trong buổi tiễn đưa (thường vào buổi tối) [8]. Đây là một bức được biết nhiều nhưng là một bức điểm trừ của Poussin. 

Narcissus and Echo (1629-1630) của Nicolas Poussin
Hai bức có tư thế gợi cảm nhất của Narcissus thuộc về tranh của John William Waterhouse và Karl Bryullov. 

Bức của Karl Brulloff gây được ấn tượng mạnh bởi hình ảnh cơ thể của Narcissus. Karl Brulloff là một đại danh họa người Nga, thường được giới họa sĩ Nga tôn trọng gọi là The Great Karl (Karl Vĩ Đại). Bức The Narcissus và bức Genius of Art là hai bức thể hiện rõ ảnh hưởng của chủ nghĩa tân cổ điển (neoclassicism), trước khi ông tiến hẳn về chủ nghĩa lãng mạn (romanticism), điển hình như bức Girl Gathering Grapes in a Suburb of Naples và bức Italian Midday (cùng vẽ năm 1927). Sở dĩ tôi chọn so sánh bức The Narcissus với mấy bức trên là vì nó cùng kiểu tư thế của nhân vật, đặc biệt là góc mặt và ánh mắt, nhưng với hai trường phái khác nhau, tạo nên sự khác biệt ngoạn mục. Ở bức The Narcissus, ảnh hưởng bởi chủ nghĩa tân cổ điển (neoclassicism), rất ưa làm nổi bật lên đường nét cơ thể, trong đó nhân vật là chủ thể anh hùng của bức tranh. Yếu tố xử lý ánh sáng vẫn tiếp tục đóng vai trò lớn, tuy nhiên, đã không còn dáng vẻ u uất, trầm tư mà mang hơi thở rắn rỏi và mạnh mẽ. Các yếu tố ước lệ, hoặc tượng trưng được giản lược đến mức thấp nhất (không rườm rà như bức của Poussin). Ngoài hình ảnh của Eros, thần tình yêu, ra; thì Echo không xuất hiện trong bức tranh này. Narcissus, rắn rỏi, mạnh khỏe, nhìn ảo ảnh một cách có kiểm soát. Khác với phong thái Baroque trong bức của Poussin, hay Caravaggio thường mô tả Narcissus sắp nhảy xuống dòng nước; Narcissus ở bức của Bryullov chẳng có dáng vẻ gì là sắp tự tử cả, mà ngược lại là sự tự tin vào nhan sắc của bản thân, nhờ mang ảnh hưởng tân cổ điển. Đây là điểm khác biệt lớn nhất tạo nên sự khác biệt của The Narcissus của Great Karl và Narcissus của Poussin hay Caravaggio.

The Narcissus - Karl Bryullov, 1819. Phong cách tân cổ điển đậm nét.
Genius of Art (1817) của Karl Brulloff . Vẫn còn khá rườm, nhưng chủ thể đã nắm được tính chủ động của bức tranh. Bức này và bức The Narcissus, thể hiện tương đối rõ chủ nghĩa tân cổ điển.

A Girl Gathering Grapes in the Suburb of Naples (1827) của Karl Brulloff. Bức này thì hoàn toàn thuộc về chủ nghĩa lãng mạn.

Italian Midday với đề tài hái nho của Karl Brulloff. Vẫn đặc trưng với chủ nghĩa lãng mạn. Nét mặt diễm tình và gợi cảm.  Khác với không khí tân cổ điển hay baroque.

Đặc biệt thích bức của John William Waterhouse với tựa đề Echo và Narcissus, vẽ năm 1903. Đặc điểm thú vị của Waterhouse so với các vị tiền bối là không sử dụng những chiêu trò về ánh sáng và bóng tối đầy bức bối, kiểu cách và bức bối. Chưa đến mức coi thường kỷ thuật như impressionism, vẫn đề cao sự chân thực như realism, nhưng thoáng đãng hơn, thơ mộng hơn do ảnh hưởng của romanticism, Waterhouse và các họa sĩ tiền-raphael khác trở lại với những gam màu rực rỡ, tươi tắn. Trường hợp của Waterhouse ở bức Echo và Narcissus là đặc biệt xuất sắc. Cần chú ý là Waterhouse chưa bao giờ được công nhận như một danh họa xuất sắc của trào lưu ngắn ngủi này (kéo dài chỉ chưa đến mười năm) như nhóm thất huynh đệ (The Seven of Pre-Raphaelite Brotherhood: William Holman Hunt, John Everett Millais, Dante Gabriel Rossetti, William Michael Rossetti, James Collinson, Frederic George Stephens và Thomas Woolner). Nhưng theo cách nhìn nhận của tôi, bức này xứng đáng nằm trong những tác phẩm tiêu biểu của phái này. Bố trí Echo ở một góc và Narcissus ở một góc; Echo ở vị trí lớp trước, Narcissus ở lớp sau; Echo nhìn Narcissus, còn Narcissus nhìn mặt nước. Khu rừng với màu xanh và xám tối được tô điểm bởi hai thân thể trắng nõn nà của Narcissus và Echo. Tấm vải voan hồng và đỏ quành quanh trên thân thể của Echo và Narcissus nổi bật hoàn toàn cùng với thân thể trắng nõn. Tuyệt ! Mùi của impressionism là đây ! Mặt trời của ấn tượng là đây (sun of impressionism) [9]. Thơ mộng của chủ nghĩa lãng mạn nằm này trong bố cục, trong phối cảnh này, trong màu sắc tươi tắn gợi tình này. Narcissus hở lưng, Echo hở vú. Mắt của Echo chăm chú nhìn Narcissus đầy say đắm, còn mắt của Narcissus nhìn bản thân dưới làn nước cũng đầy say đắm. Phải tinh ý lắm mới nhận ra điểm khác biệt giữa hai tình yêu này: tay Echo nắm chặt, là một tình yêu còn sự kềm chế; tay Narcissus với tới bóng trong nước, là tình yêu mù quáng không còn khống chế nỗi. Đôi mông nhỏm lên, đây là phút khắc trước khi Narcissus nhảy xuống trầm mình và chết. Bức tranh này là đúng một phút trước khi cớ sự xảy ra (vẫn cảm giác được cảm hứng baroque ở đây). Tài tình !

Đây là bức tranh đáng treo ở bất kỳ phòng ngủ của vợ chồng nào. Vừa lãng mạn, vừa tươi tắn, xen chút nhục dục nhẹ nhàng. Hãy so sánh nó với bức A Naiad or Hylas with a Nymph vẽ năm 1893 với các tư thế giống với bức Echo and Narcissus của cùng tác giả, mà theo tôi là nên treo ở phòng ngủ nhà tình nhân là phù hợp hơn.

Echo and Narcissus (1903) của John William Waterhouse.

A Naiad or Hylas with a Nymph (1893) của John William Waterhouse
Bức của Benjamin West có lẽ mang ảnh hưởng ít nhiều chủ nghĩa lãng mạn, khi mô tả Narcissus rất đời thường và ít tính "kinh điển", nhưng nhìn chung ít lãng mạn. Mặc dù xuất hiện khá nhiều hình ảnh biểu tượng (thần Eros, ở khắp nơi), mảng sáng tối của baroque  nhưng cách mô tả ít gò bó hơn nhiều. Bức tranh không gây được cảm tình nhiều lắm vì hai lẽ. Một là tư thế của Echo quá kỳ cục và kém tự nhiên, mô tả lại quá mờ nhạt, mặc dù đây là một trong hai chủ điểm của bức tranh (à vâng, bức tranh tên là Narcissus and Echo). Hai là hình ảnh Narcissus như chàng thanh niên đang giỡn nước, chẳng có vẻ gì liên quan đến đặc trưng của Narcissus. Chưa kể tư thế khá xấu của chàng. Tính cao trào nên có ở bức này thì lại hoàn toàn vắng bóng, khiến nó kém thu hút hơn những bức đã kể bên trên thuộc baroque, lại không đủ tươi tắn để đấu lại với các bức thuộc chủ nghĩa lãng mạn, chủ điểm cũng không được nổi bật để đấu với các bức tân cổ điển. Cả đám thiên thần vẽ dưới nước chỉ làm rối thêm bức tranh mà không mang lại giá trị gì, khi nó giành giật ánh nhìn của người xem, thay vì tập trung vào Narcissus. Hoặc là tác giả muốn dùng hình ảnh của thần tình yêu để thay thế cho cái bóng oan nghiệt bởi tình yêu mù quáng, nên mới cố tình xếp đặt như vậy? Có thể lắm. Cơ mà nhìn tư thế Narcissus, trông cứ như chuẩn bị xuống tắm chứ chẳng trầm tư chi. Chưa kể một điểm vô lý, áo chàng bay phấp phới bởi cơn gió to thế, mà tóc chàng thì chẳng bị ảnh hưởng gì. 

Thử so bức này với bức Adonis cũng của West, thì nhân vật được khắc họa tuyệt vời hơn rất nhiều. Chú ý cả hai đều vẽ cùng thời điểm: Adonis vẽ trước 1800 và chỉnh sửa vào 1806; còn Narcissus and Echo vẽ năm 1805. Bức Narcissus này khiến tôi nhớ đến một nhân vật Narcissus trong Harry Porter, Narcissa Malfoy, một kẻ tự tin về dòng máu thuần chủng, và sắc đẹp của bản thân.  JK.Rowling đã rất tinh tế khi cho nhân vật này một mái tóc vàng hoe (tôi không kỳ thị gì mấy cô tóc vàng hoe đâu). 



Benjamin West, Narcissus and Echo (1805)
Adonis (1800) của Benjamin West
Nãy giờ cứ nhắc về tân cổ điển, giới thiệu chút vậy (không phải ngẫu nhiên đâu, có ý đồ hết đấy, chút sẽ thấy). Tân cổ điển (neoclassicism) được ra đời nhằm phục hồi lại nét phóng khoáng, tập trung vào nhân vật, biểu cảm của chủ thể, thay vì tập trung vào kỹ thuật vẽ (kỹ thuật mô phỏng hiệu ứng ánh sáng và bóng tối trong baroque, kỹ thuật mô tả phức tạp và cầu kỳ trong rococo), hoặc mang nặng sự mô tả có tính biểu trưng của đề tài như mannerism. Nó được cổ võ và gợi hứng nhờ các phát hiện khảo cổ ở Pompeii và Herculaneum (1748 bởi  Rocque Joaquin de Alcubierre), đặc biệt là sự ra đời của cuốn  Le Antichità di Ercolano ("The Antiquities of Herculaneum"). Các nhà họa gia thời điểm đó xem hình mẫu của cổ Hi Lạp và cổ La Mã là hình mẫu điển hình để học tập, đặc biệt là các bức tranh tường được tìm thấy ở Pompeii. 

Điểm đáng nói là đây. Mãi sau này, người ta mới phát hiện được tranh về Narcissus ở Pompeii (khi những lão già của phái Tân Cổ Điển đã chết). Hãy so sánh nó với những bức tranh bên trên. Chúng ta nhận ra nhân vật Narcissus nhờ vào hình ảnh bóng khuôn mặt chàng trai trong dòng nước bên dưới. Điểm thú vị nhất là bức tranh Narcissus ở Pompeii không phải là bức tranh thú vị theo đúng nghĩa của nó: nó không có phong thái phóng khoáng và biểu cảm tinh tế của tân cổ điển. Trớ trêu thay, các đại họa gia Tân Cổ Điển đã không thấy được cảnh này. 

Narcissus, tranh trang trí ở thành phố Pompeii.
 Một bức khác mà tôi muốn giới thiệu, nhưng không phân tích là  bức Liriope Bringing Narcissus before Tiresias của Guilio Carpioni. Bức này mô tả cảnh xác Narcissus được bưng ra trước Tiresias, nhà tiên tri. Tiresias đã tiên đoán rằng "Narcissus sẽ chết trước khi kịp nhận thức ra bản thân mình". Ờ thì ngoài đức Khổng Phu Tử, "ngũ thập niên tri thiên mệnh" ra thì còn ai kịp làm điều đó đâu. Kể chuyện một chút về ông Tiresias này. Tiresias là nhà tiên tri vĩ đại nhất trong truyền thuyết Hi Lạp. Ông là con của thủ lĩnh Everes và nàng nymph Chariclo. Ông là tư tế của thần Zeus, vì một lần ông quấy phá hai con rắn, nên bị biến thành phụ nữ. Ông lại trở thành nữ tư tế của nữ thần Hera, vợ Zeus. Sau bảy năm làm vợ và có con, Tiresias lại một lần nữa quấy phá hai con rắn và bị biến thành nam trở lại. Zeus và Hera bèn lôi ông lên núi Olympia để hỏi xem ông là nam hay nữ. Zeus đoán ông là nữ, Hera đoán ông làm nam. Để chứng cho lời của Zeus là đúng (nịnh người quyền lực nhất có vẻ là quyết định khôn ngoan), ông đến ngồi kế bên Zeus, Hera giận quá bèn chọc mù mắt của Tiresias. Thần Zeus vì không thể chống lại ý chí của vợ, đành ban cho ông đặc ân khác: sự tiên tri. Hera và Zeus hối hận (Zeus thì chắn chắn, còn Hera thì chưa chắc) bèn cho ông quyền lực của sự tiên tri gồm cả tiên tri về nam và về nữ, vừa là nam tư tế của Zeus và nữ tư tế của Hera. Nhờ món quà này, ông không bao giờ đoán sai và ông luôn được sự tôn trọng của toàn cõi Hi Lạp. Hình ảnh vị tiên tri mù này là một trong những hình ảnh trong lá Hermit trong bộ Tarot. Tôi nhớ một câu này không rõ khi nào: có khi người mù sáng hơn người mắt sáng.

Lý do tôi không phân tích bức này là vì làm gì thấy Narcissus đâu mà còn hứng phân tích, chỉ thấy mỗi cái cặp giò thì có thú vị gì. Tôi nhắc lại là tôi chẳng thù ghét gì mấy cô chân dài đâu nhá.



Liriope Bringing Narcissus before Tiresias, Giulio Carpioni, c. 1660-1670.

 Bức của Benczúr Gyula thì quá đẹp và tuyệt vời. Ngoại trừ chả ai thấy nó có điểm gì là gợi nhớ đến Narcissus cả. Có chăng là gợi nhớ đến David hay một chàng trai nào đấy, mặc dù tạo hình quá ư gợi cảm.

Narcissus (1881) của Magyar Nemzeti Galéria, Budapest


Bức cuối cùng về Narcissus mà tôi muốn giới thiệu là bức The Metamorphosis of Narcissus của Salvador Dali. Quá phức tạp để phân tích. Quá dài để nói về nó. Và có nhiều cách để xem bức tranh này. Cách mà tôi đề xuất, ta có thể chia tranh này thành hai mảng lớn, mảng trái và mảng phải. Tôi đề nghị xem bức tranh này giống như cách xem tranh trung cổ. Nửa trái là cảnh hiến sinh, nửa phải là sự phục sinh. Cần chú ý là cả hai đối tượng trung tâm: hình ảnh Narcissus đang ngồi và hình ảnh bàn tay cần quả trứng có cùng hình khối tạo tác (xem ảnh so sánh bên dưới). Cả hai là một ảo ảnh của nhau: một là ảo ảnh của quá khứ hiến sinh, một là ảo ảnh của hiện tại phục sinh. Hai tông màu chủ đạo cũng khách biệt nhau: một màu vàng cam (nóng), một màu xanh vàng nhợt (lạnh).

 

Cần chú ý ảnh hưởng của Simon Freud trong bức tranh này. Chúng ta biết là Freud, dưới sự ủng hộ của Stéphane Zweig, đã thúc đẩy cuộc gặp gỡ giữa Dali và Freud, để cùng xem bức tranh này từ chính Dali vào ngày 19 tháng bảy năm 1938, chưa đầy một năm sau khi hoàn thành bức tranh. Tư liệu này đến từ cuốn la correspondance entre Freud et S.Zweig (Paris, Rivages, p 123,129) mang theo nhận xét của Freud về Dali: Tôi thật sự cảm ơn [Zweig] vì đã mang cho tôi vị khách mời tối qua. Bởi vì tôi đã gần như là được những họa sĩ siêu thực xem là vị thánh bảo trợ cho họ, giống như những kẻ hoàn toàn điên rồ. Chúng ta còn được biết nhiều tư liệu về buổi tối đó trong cuốn Influence du surréalisme sur la psychanalyse của Paolo Scopelliti, (p. 182).




Hãy chú ý hình ảnh của Narcissus ! Tư thế này, Narcissus không nhìn vào chính mình dưới nước, mà nhìn vào bộ phận sinh dục của chính mình. Narcissus không yêu bản ngã dưới dạng hình thức, mà yêu chính bản ngã dưới dạng tiềm thức. Cần nhớ là Freud định nghĩa Narcissism như là "sự dịch chuyển của libido (ham muốn) của một cá nhân lên chính thân thể của cá nhân đó, chủ thể của 'cái tôi' ". Ở bức tranh này, là chiều ngược lại. Narciscism của Dali không cần sự dịch chuyển mà trỏ ngay chính 'cái tôi' đó.

Hình ảnh bàn tay cầm quả ứng là sự phục sinh. Bàn tay màu xám, ám chỉ sự chết, mọc ra từ mặt đất. Hình ảnh vết nứt, đàn kiến là biểu hiện của sự tàn lụi và thối rữa. Trên đó một quả trứng mọc ra cây thủy tiên (đại diện cho Narcissus). Quả trứng đại diện cho sự phục sinh và tái sinh. 




The Metamorphosis of Narcissus, Salvador Dali (1937)




Ngay phía nền, bên dưới ngọn núi là một lũ Narcissism, những kẻ tự ái kỉ. Người ta có thể kể ra, theo chính mô tả của Dali, những kẻ dị tính gồm

[2]Leon Battista Alberti
Catherine Puglisi citée par Gérard-Julien Salvy, Le Caravage, Gallimard, coll. « Folio », 2008 (ISBN 978-2-07-034131-3), p. 86.
[3] Varriano, John L. (2006). Caravaggio: the Art of Realism. Penn State Press. ISBN 978-0-271-02717-3. 
[7]d'Este, Sorita & Rankine, David, Hekate Liminal Rites, Avalonia, 2009.
[8] Lucia Impelluso, Dieux et heros de l'antiquite, Guide des arts, hazan, 2012. 
[9] Impression, Sunrise, xin chơi chữ.
Nguyên văn: « Vraiment il faut que je vous remercie d’avoir amené chez moi le visiteur d’hier. Car j’étais jusque-là enclin à considérer les surréalistes qui semblent m’avoir choisi pour saint patron, comme des fous absolus (disons à 95%, comme pour l’alcool) ».
nguyên văn: "le déplacement de la libido de l’individu vers son propre corps, vers le “moi” du sujet." 
Rosa Marelle gợi ý rằng tư thế này có thể bị ảnh hưởng bởi bức của Caravaggio,  

Comments

Popular posts from this blog

Dịch Thơ: Hồng Đậu Sinh Nam Quốc

Hán Ngữ: 红豆生南国, 是很遥远的事情. 相思算什么, 早无人在意. 醉卧不夜城, 处处霓虹. 酒杯中好一片滥滥风情. 最肯忘却古人诗, 最不屑一顾是相思. 守着爱怕人笑, 还怕人看清. 春又来看红豆开, 竟不见有情人去采, 烟花拥着风流真情不在. Hán Việt: Hồng đậu sinh nam quốc Thị ngận diêu viễn đích sự tình. Tương tư toán thập yêu, Tảo vô nhân tại ý. Túy ngọa bất dạ thành, Xử xử nghê hồng. Tửu bôi trung hảo nhất phiến lạm lạm phong tình. Tối khẳng vong khước cổ nhân thi, Tối bất tiết nhất cố thị tương tư. Thủ trứ ái phạ nhân tiếu, Hoàn phạ nhân khán thanh. Xuân hựu lai khán hồng đậu khai, Cánh bất kiến hữu tình nhân khứ thải, Yên hoa ủng trứ phong lưu chân tình bất tại. Dịch thể lục bát: Đậu hồng sinh ở nước nam, Chuyện xưa kể lại mấy lần chửa thông. Hỏi tương tư có gì không, Từ lâu đã chẳng bận lòng chút chi. Ta say giữa phố cuồng si, Tình say men rượu tràn ly phong tình. Thơ xưa quên hết làm thinh, Tương tư tủi hổ riêng mình đắng cay. Dám đâu nhân thế tỏ bày, Sợ người thấu tỏ, sợ đời cười chê. ...

Dịch Thơ: Mô Ngư Nhi - Nhạn Khâu của Nguyên Hiếu Vấn

Ai coi tiểu thuyết hay phim cổ trang Thần Điêu Hiệp Lữ của Kim Dung, chắc ai cũng có ấn tượng về bài thơ của Lý Mạc Sầu. Không ít người thuộc lòng, nhưng chắc không phải ai cũng rõ xuất xứ bài này. Trong tác phẩm Thần điêu hiệp lữ của Kim Dung, Lý Mạc Sầu chỉ hát nửa đầu của bài từ mà thôi: Hỏi thế gian Tình ái là gì nhỉ ? Sống chết một lời hứa luỵ Nam Bắc phân chia hai đàng Mưa dầm nắng dãi quan san Cánh chim bạt gió muôn ngàn khổ đau Chung quy một kiếp tình sầu Khi vui gang tấc Ngàn sầu biệt ly Biết cùng ai, biết nói gì Chỉ trông mây núi người đi không về... Bài này là một bài từ, nguyên văn như sau: Phần hán văn:  摸魚兒-雁丘 問世間、情是何物, 直教生死相許? 天南地北雙飛客, 老翅幾回寒暑。 歡樂趣、 離別苦, 就中更有痴兒女。 君應有語, 渺萬里層雲。 千山暮雪, 只影向誰去? 橫汾路、 寂寞當年蕭鼓, 荒煙依舊平楚。 招魂楚些何嗟及, 山鬼暗啼風雨。 天也妒、 未信與, 鶯兒燕子俱黃土。 千愁萬古, 為留待騷人。 狂歌痛飲, 來訪雁丘處。 Phiên âm: Mô ngư nhi - Nhạn khâu Vấn thế gian tình thị hà vật Trực giao sinh tử tương hứa Thiên nam địa bắc song phi khách Lão sí kỷ hồi hàn thử ...

Cassandra, Thà Không Biết Còn Hơn

Hồi giữa tháng mười một này, có tham quan buổi triễn lãm về siêu thực ở cung điện nghệ thuật [1] tại Lyon. Triễn lãm bắt đầu từ tháng mười, vốn đã định đi từ đầu vì thấy cái tên Max Esnrt trong poster triễn lãm, vậy mà bận mãi đến giờ mới đi được. Thú vị thì nhiều thứ lắm, nhưng quá ấn tượng với tác phẩm Cassandra của Eugene Berman, nên về là thảo ý tưởng viết bài ngay. Cái tông đỏ ám ảnh của nó thật kỳ dị, quá kỳ dị và ngột ngạt, nhìn một hồi, không hiểu sao cứ lạnh sống lưng. Chắc do cảm lạnh, hi vọng thế. "Cassandra" của Eugene Breman Eugene Berman sinh năm 1899 ở Moscow, Nga, nhưng sống và làm việc chủ yếu ở phía tây, đặc biệt là Pháp. Nằm trong trường phái tân lãng mạn (neoromantism), ông thành công với các buổi triễn lãm ở Paris, sau đó ông đi New York rồi Los Angeles và về Rome rồi mất ở đấy. Phản đối lại hiện thực xấu xa của xã hội đương thời được gáng cho chủ nghĩa vật chất (materialism) hay chủ nghĩa hiện thực (realism), những con người vẫn còn hoài tưởng về chủ ng...