[Công Án] Công Án Triệu Châu Rửa Bát



Một vị tăng thưa với Triệu Châu: "Con vừa nhập thiền thất, Xin chỉ dạy. "Triệu Châu hỏi: "Con đã ăn cháo chưa?". Vị tăng trả lời: "Bạch, đã ăn rồi. ". Triệu Châu nói: "Vậy thì đi rửa bát đi.". Ngay lúc đó vị tăng liễu ngộ.

Cái khó trong công án này là ở chỗ, khám phá được chữ "bình thường" trong câu "bình thường tâm thị đạo" của thiền sư Nam Tuyền trả lời cho thiền sư Triệu Châu. Người đạt đạo thì lấy cái bình thường để sống, không gò không ép, không mong, không cầu. Nhưng cái bình thường này lại không tầm thường. Cho nên Vô Môn mới bàn là "Ta mong rằng ông ta không nhầm cái chuông với bình chế nước.". Nhiều người bảo, công án này vốn dễ hiểu, chỉ lời bàn là khó hiểu thôi. Ai thật hiểu công án này, cũng phải thật hiểu lời bàn của Vô Môn, nếu không chỉ là bóng trăng đáy nước. Người đạt đạo tâm không có chướng ngại, hành động cũng không chướng ngại, ăn uống ngủ nghỉ đều không chướng ngại. Người bình thường cũng ăn uống ngủ nghỉ như vậy, nhưng trong lòng có chướng ngại. Bề ngoài nhìn vào không khác gì nhau, kỳ thực lại khác rất lớn. Cho nên Vô Môn ở trên chỉ cho thấy câu "bình thường tâm thị đạo" thì ngay ở dưới chém một nhát thật đau để thấy câu "bình thường thì lại không phải là đạo". Đó chính là ý của câu "Ta mong rằng ông ta không nhầm cái chuông với bình chế nước.". Chuông và bính chế nước, hình dạng tương tự, công dụng thì lại khác xa. Người đạt đạo và người tầm thường, hình dung tương tự, trí tuệ lại khác xa nhau. Chớ có vinh vào câu "bình thường tâm thị đạo" để dương dương tự đắc cái tầm thường của bản thân mà cứ tưởng đạt đạo.

Vị tăng trong công án kia có liễu ngộ thật không, hay lại nhầm chuông với bình chế nước rồi, thật không rõ. Chỉ biết thiền sinh lướt qua công án này, không nên lầm lẫn. Người học phật ở Việt Nam rất hay vướng cái bịnh này, bám suốt vào câu "bình thường tâm thị đạo" của tổ Nam Tuyền như bám mẹ, thoát mãi không ra vì mãi nhầm giả tướng với thật tướng. Bản thân mình khi học phật cũng vướng cái bịnh này khá lâu. Thật may là tổ Triệu Châu thấy được bịnh này, lại cho thuốc chữa rất là hiệu quả. Chỉ một câu "Ta mong rằng ông ta không nhầm cái chuông với bình chế nước." đáng giá ngàn vàng, là tâm dược chữa bịnh quý giá. Lời của tổ, quả kinh người.

Ảnh minh họa: Buddha In My Mind Digital Art by H Kopp-Delaney

No comments

Post a Comment

Để lại bình luận :...

Home