Hôm nay ngày sinh của Erté, một trong những nghệ sĩ tài năng của Pháp. Vốn quên bén đi vì đang chuẩn bị cho chuyến đi du lịch, lướt một chút thì trang tin của Viện Met hiện lên, nhắc nhớ. Erté, tên thật là Romain de Tirtoff, thường ký tên R.T được phát âm thành Erté, mà sau này trở thành hiệu danh chính thức của ông.
Chữ ký của Erté |
Erté không phải là họa sĩ theo đúng nghĩa, ông chỉ là một nhà thiết kế thời trang, một nhà thiết kế mỹ thuật; nhưng tài hoa của ông sớm được nhìn nhận như một họa sĩ và điêu khắc gia có ảnh hưởng trong thế kỷ 20. Di sản của ông, phần lớn là các bản vẽ minh họa, nhưng vẫn thể hiện gu thẩm mĩ tinh tế đặc biệt.
Không mô tả nào phù hợp với tác phẩm của Erte bằng câu thơ tàu “yểu điệu thục nữ”[1]. Tác phẩm của Erte coi trọng đường cong, nhất là đường dợn sóng. Ở điểm này Erte gần với Victor Horta [2] hơn bất kỳ ai khác cho dù cả hai ở những lĩnh vực khác nhau. Cả hai yểu điệu đến mức cảm tưởng như tất cả tác phẩm được tạo nên bằng cách đồ lại những cuộn sóng ngoài biển. Erte yểu điệu trên trang giấy, Horta yểu điệu trên thanh sắt. Yểu điệu đến mức đường thẳng cũng dường như hóa cong. Ngắm mà xem.
Yểu điệu trong sáng tác của Erté. |
Yểu điệu trong sáng tác của Horta. |
Tác phẩm của Erté như cơn sóng dợn bãi biển. |
Aubrey Beardsley[3] cũng yêu đường cong, nhưng mang màu sắc quỷ dị. Erte làm người ta yêu, Beardsley làm người ta sợ. Để minh họa, tôi chọn ra hai tác phẩm cùng sử dụng ảnh hưởng của Phương Đông, cùng cách mổ tả đơn sắc trắng-đen, nhưng cả hai vẫn thể hiện rõ phong thái khác biệt. Trong hình minh họa dưới đây, Beardsley dùng họa tiết con công theo kiểu Nhật, trong khi Erte dùng họa tiết đồng tiền theo kiểu Trung. Cả hai đều tập trung phô diễn nét huyền bí phương đông. Nhưng cô gái của Erte thì cảm giác muốn ôm ấp, còn con mụ của Beardsley thì nhìn chỉ muốn đá ra đường.
Thiết kế của Erte trên đây ảnh hướng văn hóa phương đông. Nét yểu điệu vẫn rất rõ. Khiến người ta yêu hơn sợ. |
Đường cong của Aubrey Beardsley làm người ta sợ hơn là yêu. Tác phẩm này dùng ảnh hưởng của phong cách phương đông (Nhật). |
Ba người còn lại mà chúng ta có thể ngó nghiêng so sánh về sự yểu điệu trong trào lưu Art Nouveau là Rene Gruau [4], Alphonse Mucha [5], và Louis Icart [6]. Yểu điệu của Gruau là con điếm Mỹ Quốc, sành đời và bất cần đời. Yểu điệu nhưng cáo già. Yểu điệu của Mucha là con thôn quê hoa hòe. Hoa hòe theo đúng nghĩa chữ hoa hòe. Yêu điệu mà diêm dúa. Dù vậy, rất đáng yêu và vô tư. Cuối cùng, yểu điệu của Icart là con Juliet mười ba tuổi của Shakespeare, sẵn sàng chết vì một thằng con trai vừa gặp nhau ba tiếng đồng hồ trong buổi tiệc; hoặc là một con bánh bèo vô dụng mê ngôn tình chỉ biết khóc và khóc và khóc và khóc ...
Yểu điệu của Gruau. |
Yểu điệu của Mucha. |
Yểu điệu của Icart. |
Tất nhiên ta có thể kể nhiều cái tên khác, cùng khu vực “fashion illustrator” với Erté, thay vì phải so sánh với các họa sĩ tài danh như Mucha hay Beardsley (đã vậy còn bị chê thậm tệ). Chẳng hạn, ta có thể nói về Dagmar Freuchen-Gale, Irwin Crosthwait, Paul Iribe [7] ... nhưng với tôi, họ chỉ đừng lại ở mức “talented fashion illustrator”.
Tác phẩm của Dagmar Freuchen-Gale. |
Tác phẩm của Irwin Crosthwait. |
Tác phẩm của Paul Iribe. |
[1] Câu thơ trong Kinh Thi, bài Quan Thư.
[2] Victor Horta (1861 - 1947), nhà thiết kế mỹ thuật người Bỉ. Một trong những lãnh đạo của phong trào Nouveau Art.
[3] Aubrey Beardsley (1872 – 1898), nhà minh họa người Anh.
[4] Rene Gruau (1909 – 2004), một nhà minh họa thời trang người Ý.
[5] Alphonse Mucha (1860 – 1939), một nhà thiết kế mỹ thuật người Czech. Một trong những lãnh đạo của phong trào Nouveau Art.
[6] Louis Icart (1888 - 1950), họa sĩ, nhà minh họa người Pháp. Ông này có thể không nên xếp vào nhóm Nouveau Art.
[7] Dagmar Freuchen-Gale, Irwin Crosthwait, Paul Iribe là những tên tuổi lớn trong giới minh họa thời trang.
Comments
Post a Comment
Để lại bình luận :...